pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tòa án Tối cao Mỹ chấm dứt quyền phá thai: "Cái tát vào mặt những người phụ nữ"
Người dân biểu tình phản đối gần nhà Thẩm phán Toà án Tối cao Clarence Thomas ở Fairfax, Virginia, Mỹ - Ảnh: The Washington Post
Đây là quyết định có hệ quả lớn nhất của Toà án Tối cao Mỹ trong nhiều thập kỷ gần đây. Việc này sẽ làm thay đổi toàn cảnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở Mỹ.
Vụ kiện Roe và Casey có từ năm 1973 công nhận quyền phá thai của phụ nữ và hợp pháp hóa quyền này trên toàn liên bang. Việc đảo ngược án lệ này đồng nghĩa Tối cao pháp viện Mỹ cho phép các bang tùy ý quyết định cấm hay cho phép phá thai.
"Roe đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng ngay từ đầu", Thẩm phán Samuel Alito viết trong bản thảo ý kiến của Tòa án Tối cao Mỹ. "Lập luận trong đó rất lỏng lẻo và quyết định này đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ đưa ra một giải pháp mang tính quốc gia về vấn đề phá thai, Roe và Casey còn châm ngòi tranh luận và làm vấn đề chia rẽ trở nên sâu sắc hơn".
Phán quyết đảo ngược này được đưa ra trên cơ sở 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống. Ở chiều phản đối, thẩm phán Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan đã chỉ trích những người bỏ phiếu thuận một cách nặng nề: "Với nỗi buồn - không chỉ cho Toà án này mà còn cho hàng triệu phụ nữ Mỹ vừa mất đi quyền bảo vệ cơ bản theo Hiến pháp - chúng tôi phản đối".
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Joe Biden đã cho biết: "Sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ ở quốc gia này đang bị đe doạ". Sau khi Tòa án Tối cao lật lại vụ kiện Roe và Wade, đồng thời loại bỏ quyền phá thai theo Hiến pháp, ông Biden đã kêu gọi Quốc hội hệ thống hóa quyền phá thai. "Đó là một ngày buồn cho Toà án và Đất nước", ông Biden nói.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi gọi phán quyết này là "một sự sỉ nhục, một cái tát vào mặt những người phụ nữ".
Bên cạnh đó, cũng có một số chính trị gia bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của Toà án. Cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã ca ngợi phán quyết nói trên, cho rằng Tòa án Tối cao đã mang lại cho "người dân Mỹ một khởi đầu mới trong cuộc sống", đồng thời khen ngợi số đông Thẩm phán đã có "lòng can đảm trong công việc kết án".
Được biết, phán quyết này là đỉnh điểm cho sự nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của những người chỉ trích việc phá thai, nhằm tìm cách trả lại nhiều quyền lực hơn cho các bang ở Mỹ.
Trong tương lai, quyền phá thai sẽ do các bang quyết định, trừ phi Quốc hội thông qua một đạo luật khác. Gần một nửa số bang ở Mỹ đã hoặc sẽ thông qua luật cấm phá thai, trong khi những bang khác ban hành các điều khoản quy định quá trình này một cách nghiêm ngặt.
Ngay sau phán quyết nói trên, hàng nghìn người dân Mỹ đã xuống đường biểu tình trên toàn đất nước. "Tôi rất sợ hãi khi nghĩ đến các con mình và thế giới nơi hai đứa sẽ phải trưởng thành", Paula Foster - một người mẹ có hai con gái ở Nashville - bày tỏ quan ngại trước phán quyết mới của Toà án.