Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Kim Khánh - Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ - về những thành công của mô hình này.
Tính đến nay, thành phố Việt Trì đã có bao nhiêu nhóm thực hiện Cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"?
Con số hiện nay là 635 nhóm thực hiện tiêu chí 3 sạch, trong đó có 221 nhóm Đoạn đường phụ nữ tự quản, 55 nhóm Ngày thứ 7 - chủ nhật sạch, 120 nhóm gia đình Xách làn đi chợ, 55 Nhóm đoạn đường "Sáng đường làng phố", 90 nhóm "Tiết kiệm phế liệu", 52 "Tổ thu gom rác thải," 2 mô hình "Sạch đồng", 1 nhóm "Sạch quầy", 9 "Tuyến phố không rác thải" và 30 nhóm "Phân loại rác thải tại hộ gia đình".
Để có được kết khả quan này, Hội LHPN thành phố Việt Trì đã trải qua những khó khăn nào?
Lần đầu thực hiện, 2 mô hình đều gặp những khó khăn nhất định. Đầu tiên là việc đề ra quy chế hoạt động của nhóm và tìm địa điểm tập kết phế liệu. Thực tế gia đình nào cũng có phế liệu như chai lọ nhựa, bao bì… nếu không được xử lý sẽ làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, gây lãng phí. Ý tưởng mô hình "Tiết kiệm phế liệu" được Hội LHPN thành phố Việt Trì xây dựng dưới hình thức các nhóm "Tiết kiệm phế liệu" gồm các hộ hội viên phụ nữ sau khi đã hiểu và tham gia mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình". Tham gia nhóm, hàng ngày, mỗi hộ sẽ tự thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt của gia đình mình.
Nhờ hiểu được giá trị của việc phân loại rác thải mang lại hiệu quả thiết thực với đời sống gia đình, cùng với sự tuyên truyền, vận động mạnh mẽ, đến nay, nhóm "Tiết kiệm phế liệu" khu 2B - Nông Trang đã có gần 200 hội viên tham gia. Các hội viên đều có ý thức tự giác thu gom phế liệu bị vứt bỏ, cứ đến ngày quy định hàng tháng, lại tập trung các thứ thu gom được tại Nhà văn hóa khu. Số phế liệu này được bán rồi lấy tiền góp quỹ tại chi hội để thăm hỏi hội viên lúc ốm đau, đồng thời còn là nguồn vốn nhỏ cho các hội viên gặp khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển sản xuất, kinh doanh nhỏ.
Từ những thành công của Chi hội Phụ nữ khu 2B - Nông Trang và xã Trưng Vương, nhiều chi hội khác trong thành phố cũng bắt đầu đăng ký thực hiện. Một số chi hội phụ nữ đã thu được 3 triệu đến gần 60 triệu đồng/năm.
Sức lan tỏa của mô hình đã giúp mỗi đường làng, ngõ xóm, mỗi khu dân cư được sạch sẽ hơn, môi trường sống được cải thiện. Mô hình "Tiết kiệm phế liệu" đã giúp hội viên phụ nữ chia sẻ tình cảm với nhau, hỗ trợ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn. Các nhóm "Tiết kiệm phế liệu" đã cho gần 50 chị em vay vốn, với số tiền gần 200 triệu đồng. Bằng nguồn quỹ này, nhiều chị em đã đầu tư làm vốn kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, từ đó có thu nhập, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống.
Có thể nói, việc triển khai 2 mô hình trên là một trong những nội dung của việc thực hiện 3 khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX và Kế hoạch Năm văn minh trật tự đô thị của thành phố mà Thành Hội triển khai. Từ thành công của mô hình cơ sở, Hội LHPN thành phố Việt Trì đã chỉ đạo 100% cơ sở thành lập mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình", đi cùng mô hình "Tiết kiệm phế liệu".
Qua các buổi truyền thông, ra mắt, các cán bộ Hội đã làm rõ nội dung về các loại rác để có sự phân loại rác bằng cách có những xô, thùng đựng rác riêng, vừa thuận tiện, vừa vệ sinh. Ngoài ra, chúng tôi còn ra tổ chức hội thi tái chế phế liệu nhằm bảo vệ môi trường.
Hội LHPN thành phố Việt Trì có những kinh nghiệm gì để chia sẻ với các cấp Hội?
Mặc dù chỉ là một mô hình nhỏ nhưng hoạt động của 2 mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình" và "Tiết kiệm phế liệu" của chị em các chi hội trên thành phố Việt Trì trong những năm qua đã chứng minh được hiệu quả lớn mà mô hình mang lại. Mô hình không chỉ huy động được sức mạnh cộng đồng trong vấn đề giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, mà còn giúp các chị em phụ nữ xích lại gần nhau hơn, từ đó thúc đẩy phong trào phụ nữ phát triển.
Quá trình triển khai thực hiện cũng đã đặt ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trước hết cần phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để chị em hội viên hiểu rõ hơn về việc phân loại rác thải, hiểu được những loại rác nào có thể tái chế, loại nào không?
Nhiều chương trình giao lưu, tọa đàm, chia sẻ kỹ năng kinh nghiệm về quá trình triển khai cuộc vận động tại các chi hội cũng được tổ chức vừa giúp chị em các chi hội gặp gỡ và giao lưu trao đổi những cách làm hay, sáng tạo, như việc tạo thói quen thu gom, tiết kiệm; nhắc nhở các thành viên có ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng thói quen ngăn nắp vệ sinh trong gia đình; tổ chức vệ sinh nơi công cộng để bảo vệ môi trường sống của gia đình và cộng đồng, cùng thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững.
Có thể nói, để mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình" và "Tiết kiệm phế liệu" được triển khai có hiệu quả, thành Hội Việt Trì rút ra những bước cơ bản cần thực hiện, đó là:
1. Trước tiên cần khảo sát, rà soát tình hình thực tế cũng như mong muốn của hội viên, địa phương định triển khai.
2. Lên kế hoạch cụ thể cho mô hình để có hoạt động phù hợp thực tế.
3. Duy trì và nhân rộng mô hình mang lại hiệu quả, cần biểu dương kịp thời.
4. Tăng cường tuyên truyền và mở rộng khai thác các nguồn hỗ trợ.
Mỗi hội viên tham gia cuộc vận động là khẳng định sự đóng góp của chính mình trong mỗi gia đình và cộng đồng. Đây cũng là quyết tâm của các cấp Hội phụ nữ trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình và thực hiện mục tiêu chiến lược Quốc gia Vì sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn