Theo Luật sư Lương Văn Trung, đây là một vụ án liên quan đến nhiều hành vi phạm tội khác nhau, nhưng điều trọng yếu nhất, nguồn cơn của những hành vi phạm tội khác và gây ra hậu quả lớn nhất, chính là vấn đề kinh tế.
"Do đó, yếu tố kinh tế chắc hẳn sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng cùng với yêu cầu về quyết định hình phạt. Những hình phạt thích đáng tuy có tính răn đe cao nhưng lại có thể làm giảm khả năng thu hồi tài sản cho nhà nước và người dân", luật sư Trung đưa ý kiến.
Luật sư Lương Văn Trung cho rằng, khách thể của các tội phạm về kinh tế là trật tự quản lý kinh tế của nhà nước. Tuy nhiên, trật tự quản lý kinh tế của nhà nước không chỉ ở việc tạo ra một trật tự mà trật tự đó phải tạo ra sự thịnh vượng, giàu có; hay nói cách khác là phải góp phần vào "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
"Như vậy, theo tôi, nếu không hài hòa về việc bảo vệ khách thể là trật tự quản lý của nhà nước với việc giảm thiểu các thiệt hại (hay khắc phục tối đa các thiệt hại) về kinh tế mà tội phạm đã gây ra thì thật là đáng tiếc", luật sư Trung nêu quan điểm.
Trao đổi về hình phạt đối với các bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát, trong đó bị cáo Trương Mỹ Lan bị Viện KSND TPHCM đề nghị mức án tử hình, Luật sư Lương Văn Trung cho rằng, sự trừng phạt nên đi cùng với giảm thiểu thiệt hại hay bù đắp những mất mát cho nạn nhân.
"Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, cần xác định nạn nhân là ai và nạn nhân sẽ được bù đắp thế nào sau khi nhà nước đã đạt được mục đích trừng phạt để khẳng định sự nghiêm khắc của pháp luật. Với cách nhìn cá nhân, tôi cho rằng Tòa án không chỉ nên quan tâm đến vấn đề hình phạt và khả năng thu hồi tài sản một cách toán học mà còn nên xem xét đến cách thu hồi tài sản. Việc phong tỏa các tài sản được coi là liên quan đến vụ án hay có liên quan đến khoản tiền của Ngân hàng SCB để rồi giao hết cho Ngân hàng SCB quản lý, khai thác hay bán thu hồi, cũng có thể sẽ tạo ra những hệ lụy ngoài mong muốn. Đó là chưa nói đến sự xâm phạm đến quyền và lợi ích hiển nhiên của một số bên thứ ba có lợi ích liên quan.
Thực tế cho thấy, có những trường hợp thiếu hiệu quả (nếu không muốn nói là yếu kém) trong hoạt động quản lý tài sản được coi là chứng cứ của vụ án, tài sản do phạm tội mà có, tài sản bị thế chấp, cầm cố của các ngân hàng hay cơ quan thi hành án.
Ở vụ án này, lượng tài sản đang bị phong tỏa là khổng lồ và có nhiều tài sản (có thể) đang có vướng bận về quyền của bên thứ ba (vô tội) cũng như đang là đối tượng của những dự án đã được nhà nước cấp phép hợp pháp và có khả năng tạo doanh thu và lợi nhuận. Nhiều tài sản chỉ mới hình thành ở mức độ sơ khởi, chưa thể là đối tượng để giao dịch mua bán. Do đó, tôi nghĩ rằng nên chăng cần đánh giá đầy đủ các loại tài sản này và sự liên quan của nó để phân định rõ ràng và có cách thức xử lý phù hợp. Không nên chỉ suy nghĩ rằng SCB đã chi tiền cho hoặc liên quan đến các tài sản này nên SCB được quyền nắm giữ để xử lý", luật sư Lương Văn Trung nêu ý kiến.
Cũng theo luật sư Trung, các ý kiến trao đổi này của luật sư dựa trên các thông tin có được về vụ án đã được truyền thông đăng tải công khai. “Với những gì tôi thấy trong quá trình xét xử vụ án này đến hôm nay, tôi tin rằng HĐXX sẽ có những quyết định chuẩn mực về sự hài hòa giữa pháp luật, kinh tế, trừng phạt và sự khoan dung”, luật sư Lương Văn Trung cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn