Đằng sau danh hiệu “Quốc gia hạnh phúc nhất” thế giới

Ngày 20/3 hằng năm, Ngày Quốc tế Hạnh phúc, Liên hợp quốc công bố bảng xếp hạng toàn cầu về mức độ hạnh phúc của các quốc gia. Thế nhưng, làm thế nào để đo lường được một khái niệm trừu tượng như "hạnh phúc"? Và có những hạn chế gì trong phương pháp nghiên cứu của các bảng xếp hạng hạnh phúc?

GDP bình quân có phải chỉ dấu cho sự hạnh phúc?

Hàng năm, có nhiều báo cáo khác nhau xếp hạng các quốc gia dựa trên mức độ hạnh phúc, trong đó phổ biến nhất là bản "Báo cáo Hạnh phúc Thế giới" (World Happiness Report) với sự tham gia thực hiện của một cơ quan trong Liên hợp quốc. Theo bảng xếp hạng của tổ chức này, những quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng hạnh phúc trong nhiều năm qua hầu hết thuộc về khu vực Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Na Uy…

Để cho ra được kết quả này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp khảo sát. Khoảng vài nghìn người tại các quốc gia trên thế giới được yêu cầu đánh giá cuộc sống của họ tại thời điểm đó trên thang điểm từ 0 đến 10, trong đó 10 là cuộc sống tốt nhất có thể tưởng tượng được. Sau đó, các dữ liệu khác như GDP bình quân (thu nhập bình quân theo đầu người), phúc lợi xã hội, tuổi thọ, sự tự do, sự hào phóng và mức độ tham nhũng… được sử dụng để giải thích cho sự chênh lệch về mức độ hạnh phúc giữa các quốc gia.

Đằng sau danh hiệu “Quốc gia hạnh phúc nhất” thế giới - Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các quốc gia giàu có, phát triển, có GDP bình quân đầu người cao thường là những quốc gia xếp hạng cao. Điều đó khiến nhiều người nghĩ rằng, thu nhập bình quân đầu người đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ hạnh phúc chung của một quốc gia.

Trên thực tế, GDP bình quân đầu người chỉ là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ được tạo ra mỗi năm ở một quốc gia chia cho tổng dân số. Vì vậy, chỉ số này không cho thấy được sự bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội. Nó không cho chúng ta biết những của cải của một quốc gia được chia cho những ai và bao nhiêu trong số đó tập trung vào tay một số ít người. Bởi vậy, khám phá về hạnh phúc của một quốc gia cần cân nhắc tới những đặc trưng và thực tế của quốc gia đó.

Nghịch lý về quốc gia hạnh phúc giữa Phần Lan và Bhutan

Phần Lan và Bhutan là hai quốc gia thường được cả thế giới ngưỡng mộ và coi là những nơi hạnh phúc nhất thế giới. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Phần Lan và Bhutan là rất lớn về nhiều phương diện, đặc biệt là về chỉ số GDP bình quân đầu người. Cụ thể, năm 2022, GDP bình quân của Phần Lan là khoảng 50.872 đô la Mỹ (1,3 tỷ đồng) trong khi Phần Lan, GDP bình quân của Bhutan chỉ là 3.560 đô la Mỹ (khoảng 88 triệu đồng) – thấp hơn cả GDP bình quân của Việt Nam là 4.110 USD.

Đằng sau danh hiệu “Quốc gia hạnh phúc nhất” thế giới - Ảnh 2.

Về mặt xã hội, Bhutan thường được biết đến với việc lấy sự hạnh phúc làm "thước đo" cho mọi quyết sách của chính phủ trong khi Phần Lan thường được biết đến với những con người sống trầm mặc, kín tiếng và thường không thể hiện sự hạnh phúc của mình bằng cách ăn mừng nơi công cộng.

Như vậy, giữa Phần Lan và Bhutan, đâu mới là xứ sở thực thụ của sự hạnh phúc?

Đằng sau danh hiệu “Quốc gia hạnh phúc nhất” thế giới - Ảnh 3.

Phần Lan với những cánh rừng phủ đầy tuyết trắng và khung cảnh huyền ảo.

 

1. Phần Lan

Phần Lan dẫn đầu 7 năm liên tiếp trên bảng xếp hạng của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (từ năm 2018 đến nay). Quốc gia này có phong cảnh đẹp như tranh vẽ với những hồ nước nguyên sơ và những khu rừng phủ đầy tuyết trắng, nhiều người có lẽ tưởng tượng được bản thân mình tìm thấy chân lý của sự hạnh phúc ở nơi đây. Đặc biệt hơn, người dân của đất nước Phần Lan nổi tiếng với sự tin tưởng lẫn nhau, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và công dân nước này được hưởng phúc lợi xã hội cao.

"Câu hỏi được sử dụng để khảo sát liên quan đến sự hài lòng với cuộc sống, còn sự hạnh phúc thì không được nhắc tới".

Jennifer De Paola, nhà tâm lý học xã hội và chuyên gia về sự hạnh phúc của người Phần Lan

Tuy nhiên, khi được hỏi, những cư dân tại quốc gia này lại đưa ra một góc nhìn khác: Kết quả từ một khảo sát cho thấy hầu hết người Phần Lan có cái nhìn tiêu cực về tương lai. Nhà vận động vì sức khoẻ tâm thần hiện đang sinh sống tại Phần Lan khi trả lời phỏng vấn của Business Insider (công ty truyền thông trực tuyến của Mỹ) từng nói rằng: "Thật ngạc nhiên khi chúng tôi vẫn đứng đầu. Hàng năm luôn có một cuộc tranh luận trong nước về điều này".

Kỳ lạ hơn, quốc gia này cũng có tỷ lệ người sử dụng thuốc chống trầm cảm cao nhất ở châu Âu. Điều tương tự cũng xảy ra ở Thụy Điển và Iceland là những quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu, luôn trong nhóm 10 quốc gia đứng đầu trong Bảng xếp hạng hạnh phúc. 2 quốc gia này, tỷ lệ người sử dụng thuốc chống trầm cảm cao nhất toàn châu Âu.

Bởi vậy, nhiều người dân tại Phần Lan và các quốc gia Bắc Âu này cho rằng nên đổi tên báo cáo từ "hạnh phúc" thành "hài lòng". 

Đằng sau danh hiệu “Quốc gia hạnh phúc nhất” thế giới - Ảnh 4.

Vẻ đẹp nguyên sơ của đất nước Bhutan

 

2. Bhutan

Bhutan là một quốc gia nhỏ nằm trên dãy Himalaya, giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đất nước có những dãy núi hùng vĩ và hoang sơ, với bản sắc văn hoá vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Đặc biệt, ở nơi đây, hạnh phúc được xem là triết lý quốc gia bởi Bhutan lấy chỉ số là Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) thay vì Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) làm chuẩn mực cho sự phát triển.

Khác với phương thức nghiên cứu của các báo cáo hạnh phúc phổ biến, các chỉ tiêu của GNH mà Bhutan đưa ra tập trung vào tính bền vững của văn hoá, xã hội và môi trường cũng như sự minh bạch của nhà nước. Vì vậy, mặc dù là quốc gia đề xuất thành lập Báo cáo Hạnh phúc Thế giới và giúp lan tỏa tầm quan trọng của sự hạnh phúc đến toàn cầu, năm 2019, Bhutan chỉ xếp ở vị trí 95 trên bảng xếp hạng Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.

Đằng sau danh hiệu “Quốc gia hạnh phúc nhất” thế giới - Ảnh 5.

Điều này cho thấy sự khác biệt lớn giữa các giá trị kinh tế - xã hội phương Tây và quốc gia này. Tiêu chí về sự hạnh phúc mà phương Tây đưa ra, được phần nào thể hiện qua bản báo cáo như mức thu nhập, tuổi thọ, sự hào phóng, hay việc có người để nương tựa khi khó khăn so với các giá trị hạnh phúc của Bhutan. Thực tế, trong báo cáo GNH của nước này công bố vào tháng 5/2023, chỉ 6,4% dân số cho rằng mình đang không cảm thấy hạnh phúc.

Tuy nhiên, Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn sau khi nhậm chức hồi tháng 3 năm nay rằng, ngành du lịch của nước này vẫn đang trong tình trạng khó khăn sau đại dịch và nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc tái thiết kinh tế. Khi được hỏi về cách cân bằng sự tăng trưởng kinh tế với hạnh phúc của nhân dân, ông nói: "Bạn cần có cả hai. Phúc lợi của người dân đòi hỏi việc tăng trưởng kinh tế".

Đằng sau danh hiệu “Quốc gia hạnh phúc nhất” thế giới - Ảnh 6.

Suy cho cùng, mỗi cá nhân trải nghiệm sự hạnh phúc theo một góc nhìn riêng, được định hình bởi các giá trị cá nhân, nền tảng văn hóa cũng như trải nghiệm cuộc sống.

Làm thế nào để đo lường "hạnh phúc"?

Nhiều chuyên gia đã chỉ trích phương pháp nghiên cứu của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, bởi câu hỏi được sử dụng trong khảo sát có xu hướng tập trung vào sự giàu có vật chất và những thành tựu riêng trong cuộc sống – những chỉ dấu của sự hạnh phúc cá nhân.

Góc nhìn này về hạnh phúc được đánh giá là không phù hợp với nhiều nền văn hoá, do họ hướng tới hạnh phúc thiên về các mối quan hệ hơn và tập trung vào sự hòa hợp giữa các cá nhân trong xã hội. Nói cách khác, các nền văn hóa tập thể thường đánh giá cao mức độ hạnh phúc của họ chỉ khi những người xung quanh họ cũng hạnh phúc.

Ngoài ra, bên cạnh việc bỏ qua sự bất bình đẳng trong xã hội khi tập trung vào GDP bình quân đầu người, các bảng xếp hạng cũng không cân nhắc đến sự hy sinh của những nhóm người khác để đạt được hạnh phúc của một quốc gia. Chẳng hạn, báo cáo không đề cập đến lịch sử bị chiếm đóng của nhiều quốc gia có ảnh hưởng thế nào đến sự giàu có – và sự hạnh phúc, của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Đằng sau danh hiệu “Quốc gia hạnh phúc nhất” thế giới - Ảnh 7.


Vậy, "hạnh phúc" được đo lường như thế nào? Nếu như người dân Phần Lan, quốc gia luôn đứng đầu bảng xếp hạng hạnh phúc nhưng đa số lại có cái nhìn tiêu cực và ảm đạm về tương lai; và Bhutan, được mệnh danh là "vương quốc hạnh phúc", vẫn phải lo lắng khi đối mặt với những khó khăn về kinh tế, thì có lẽ việc gói gọn mức độ hạnh phúc của một quốc gia trong một thứ hạng là không thể.

Suy cho cùng, mỗi cá nhân trải nghiệm sự hạnh phúc theo một góc nhìn riêng, được định hình bởi các giá trị cá nhân, nền tảng văn hóa cũng như trải nghiệm cuộc sống.


20/03/2024 10:45