Quảng Nam: Phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác bình đẳng giới

20:06 | 28/07/2024;
Sự tham gia tuyên truyền, vận động cũng như tinh thần gương mẫu của người có uy tín đã từng bước góp phần xóa bỏ một số tập tục lạc hậu, thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Bất bình đẳng giới vẫn tồn tại

Quảng Nam là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; với hơn 140.000 người, chiếm gần 10% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đông nhất là đồng bào dân tộc Cơ-tu, Xơ-đăng, Giẻ-Triêng, Cor và M'Nông...

Đối với đồng bào Giẻ Triêng ở Quảng Nam, chặt củi "bắt chồng" (hay còn gọi là củi hứa hôn, củi cưới) là tập tục lâu đời. Trước đây, theo tục lệ, trước khi lấy chồng, người con gái Giẻ Triêng phải thường xuyên vào rừng, chọn chặt mang về những bó củi to, chất dần quanh nhà để trong ngày cưới gùi mang sang nhà chồng.

Chị Hồ Thị Siêng, người Giẻ Triêng, Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Phước Chánh (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, nhận thấy tập tục lâu đời này không còn phù hợp, ảnh hưởng đến người phụ nữ, chị đã cùng với các già làng, trưởng thôn, Hội LHPN địa phương… tuyên truyền và động viên người dân thay đổi "nếp nghĩ, cách làm". Đến nay, tập tục chặt củi "bắt chồng" đã dần được xóa bỏ.

"Là người có uy tín tại địa phương, bản thân tôi luôn gương mẫu, đi đầu. Khi người dân, đồng bào cần thì mình có mặt ngay để trao đổi, hỗ trợ. Qua đó giúp cho nhiều tập tục lạc hậu dần bỏ được", chị Siêng cho hay.

Quảng Nam: Phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác bình đẳng giới- Ảnh 1.

Tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng cao, miền núi. Ảnh: Thiện Tùng

Tuy nhiên, nếu chặt củi "bắt chồng" là tập tục đã đã được xóa bỏ, thì trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam vẫn còn tồn tại những vấn đề bất bình đẳng giới khác cần phải giải quyết. Bà Nguyễn Thị Thu Hiệp, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, bất bình giới trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Giẻ Triêng vẫn còn nhiều vấn đề như tập tục bắt phạt người phụ nữ nếu có thai trong thời gian sau khi cưới 1 năm, bắt phạt người phụ nữ không có chồng nhưng mang thai, tảo hôn…

Trong đó, về vấn đề tảo hôn, theo bà Hiệp, nếu trước kia tảo hôn trong đồng bào là do cha mẹ áp đặt khi con chưa đủ tuổi kết hôn, còn hiện nay là tình trạng người yêu nhau rồi lấy nhau, dù chưa đến tuổi kết hôn và cha mẹ chưa đồng ý. Do vậy, phải tập trung tuyên truyền cho giới trẻ cũng như để các bậc cha mẹ vào cuộc ngăn chặn tảo hôn và những hệ lụy của vấn đề này.

Tuyên truyền thay đổi "nếp nghĩ, cách làm"

Hội LHPN tỉnh Quang Nam cho biết, trong khuôn khổ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", từ năm 2022 - 2023, các cấp Hội LHPN trong tỉnh tổ chức các hoạt động như tổ chức 20 đợt phát động, diễu hành truyền thông về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống bạo lực gia đình… thu hút gần 10.000 cán bộ và nhân dân tham gia; 7 khóa tập huấn thực hành bình đẳng giới trong cộng đồng cho 400 người có uy tín trong cộng đồng tham dự.

Quảng Nam: Phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác bình đẳng giới- Ảnh 2.

Người có uy tín tham gia thành viên "Tổ truyền thông cộng đồng" thuộc Dự án 8

Bên cạnh đó, đã thành lập 63 mô hình gồm 45 tổ truyền thông cộng đồng và 18 địa chỉ tin cậy, đều có thành viên là người có uy tín trong cộng đồng. Đồng thời, tổ chức 12 cuộc đối thoại chính sách cấp xã gần 1.000 người tham gia.

Đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của người có uy tín trong cộng đồng, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có uy tín; quan tâm người có uy tín bị ốm đau, hỗ trợ gia đình người có uy tín gặp khó khăn… nhằm động viên kịp thời người có uy tín về tinh thần, vật chất, giúp họ thêm tin tưởng vào sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể; khuyến khích người có uy tín tiếp tục có trách nhiệm với cộng đồng và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Theo Hội LHPN tỉnh Quảng Nam, bên cạnh những thuận lợi, công tác tuyên truyền chính sách dân tộc, tôn giáo, trong đó có tuyên truyền thúc đẩy bình đẳng giới cho người dân vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều mặt khó khăn nhất định. Cụ thể, một số người dân chưa thành thạo tiếng phổ thông; địa hình, thời tiết, giao thông không thuận lợi; đời sống nhân dân khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao; khoảng cách về sự tham gia đóng góp, thụ hưởng trong đời sống xã hội của phụ nữ so với nam giới còn khá xa...

Quảng Nam: Phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác bình đẳng giới- Ảnh 3.

Truyền thông về chăm sóc phụ nữ mang thai, trẻ em cho hội viên phụ nữ

Để khắc phục những vấn đề này, trong thời gian tới, Hội LHPN các cấp tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục triền khai các chủ trương, chính sách, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, bình đẳng giới, phòng chống tảo hôn… Quan tâm công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người có uy tín để họ nắm bắt thông tin về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, vấn đề dân tộc, tôn giáo, công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu cho người có uy tín trong thôn, bản, tranh thủ lực lượng này tác động vào cộng đồng về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu có hại cho cộng đồng, cho phụ nữ, trẻ em; thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" trong phát triển kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các mô hình đều khắp cơ sở nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tác động vào cộng đồng làm thay đổi căn bản thực trạng bình đẳng giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như mục tiêu của Dự án 8 đề ra.



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn