Để Dự án 8 đi vào cuộc sống và được duy trì bền vững

Phạm Thị Hằng - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang
29/06/2024 - 08:15
Để Dự án 8 đi vào cuộc sống và được duy trì bền vững

Thành viên Tổ Truyền thông cộng đồng thôn Vĩnh Ninh (xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) - Ảnh: An Khê

Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" được triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã phát huy được nhiều giá trị tích cực trong cuộc sống. Góp phần làm thay đổi đời sống cộng đồng, nâng cao vai trò của phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi.

Triển khai đồng bộ dự án 8 trên toàn tỉnh

Thực hiện Dự án 8, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Hằng năm, Hội tổ chức các hoạt động tập huấn triển khai Dự án, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng Dự án tổ chức các hoạt động đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch được giao.

Để Dự án 8 đi vào cuộc sống và được duy trì bền vững- Ảnh 1.

Sơn Động là 1 trong 5 huyện làm Dự án 8 hiệu quả của tỉnh Bắc Giang

Cụ thể, toàn tỉnh đã thành lập, duy trì 287 Tổ truyền thông cộng đồng, với 2.022 thành viên tham gia, vượt 59% chỉ tiêu giai đoạn trung ương giao. Củng cố 41 Địa chỉ tin cậy sẵn có, vượt 173% chỉ tiêu giai đoạn trung ương giao. Xây dựng 285 mạng lưới truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook. Thành lập 36 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi với trên 600 thành viên tham gia, đạt 100% chỉ tiêu. Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cho 6 mô hình hợp tác xã/tổ hợp tác, tổ sinh kế;…

Cũng trong thời gian thực hiện Dự án, đã tổ chức 36 cuộc tiền đối thoại, 13 cuộc tọa đàm đối thoại trực tiếp với người dân; 41 cuộc đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn bản liên quan đến phụ nữ và trẻ em vùng thực hiện Dự án 8; 22 cuộc giao lưu giữa các Tổ truyền thông cộng đồng; 37 cuộc phát động chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em về "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm" gắn với phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số và xây dựng Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng tại huyện, xã.

Để Dự án 8 đi vào cuộc sống và được duy trì bền vững- Ảnh 2.

Với quyết tâm thực hiện và duy trì hiệu quả 4 nội dung của Dự án, tính đến tháng 6 năm 2024, toàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tham mưu đưa các nội dung thực hiện Dự án 8 vào Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 của UBND tỉnh. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án 8 năm 2024; Kế hoạch triển khai một số hoạt động Dự Án 8 năm 2024 tại cấp tỉnh; Kế hoạch kiểm tra, giám sát, hỗ trợ địa phương thực hiện Dự án 8 năm 2024 triển khai đến 100% huyện thực hiện Dự án 8.

Chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang xây dựng các nội dung thực hiện của Dự án 8 và phối hợp với phòng Dân tộc tham mưu đưa nội dung vào Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi năm 2024 của UBND huyện. Cả 5 huyện đều đã ban hành Kế hoạch và các văn bản hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024 trên địa bàn.

Để Dự án 8 đi vào cuộc sống và được duy trì bền vững- Ảnh 3.

Lễ ra quân truyền thông cộng đồng huyện Lục Nam

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và triển khai đồng bộ, tính đến tháng 6/2024, Bắc Giang đã đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu thực hiện Dự án giai đoạn 2021-2025 Trung ương giao. Đó là các chỉ tiêu: Thành lập và duy trì Tổ truyền thông cộng đồng; Củng cố, nâng cấp Địa chỉ tin cậy sẵn có; Thành lập câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi; Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; Tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn; Tập huấn nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ cấp huyện, xã; Tập huấn nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ thôn, bản, người có uy tín tại cộng đồng.

2 chỉ tiêu còn lại là tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ; Đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản đều đang triển khai.

Với quyết tâm thực hiện và duy trì hiệu quả 4 nội dung của Dự án, tính đến tháng 6 năm 2024, toàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan.

Nhằm đảm bảo các nội dung của dự án được thực hiện hiệu quả, bền vững, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng triển khai Kế hoạch về kiểm tra, giám sát, hỗ trợ địa phương thực hiện Dự án 8 trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, triển khai đến 100% huyện thực hiện Dự án. Tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ địa phương thực hiện Dự án 8 tại 2 huyện Sơn Động, Lục Nam và 2 xã thực hiện Dự án là xã An Bá (Sơn Động) và xã Trường Sơn (Lục Nam).

Hiến kế để xây dựng các mô hình bền vững

Trên nửa chặng đường xây dựng các mô hình và thực hiện Dự án 8 tại tỉnh Bắc Giang, các cấp Hội phụ nữ đã không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả của từng mô hình, phần việc. Tuy nhiên, để các mô hình gắn với các nội dung Dự án tồn tại được lâu dài, đi vào cuộc sống của cộng đồng một cách bền vững, cần có những phương pháp linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, từng vùng dân tộc thiểu số.

Để Dự án 8 đi vào cuộc sống và được duy trì bền vững- Ảnh 4.

Bà Ngụy Thị Tuyến - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang (áo xanh) tại buổi ra mắt Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường THCS An Lập (Sơn Động, Bắc Giang)

Trước hết, để duy trì phát triển bền vững các hạng mục Dự án 8 trong cộng đồng, các cấp hội phụ nữ Bắc Giang thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền đến các cơ sở Hội. Đặc biệt là việc phải thường xuyên xây dựng đổi mới các nội dung hoạt động tuyên truyền ở mỗi mô hình này gắn với thực tiễn đời sống cộng đồng thì mới có sức hút đối với hội viên nói riêng và cộng đồng nói chung. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức lồng ghép các hoạt động của Dự án 8 vào với những chương trình khác, từ đó tạo ra sự đa dạng, phong phú, thu hút người dân nhiệt tình tham gia. Và cũng tránh được sự cứng nhắc, máy móc trong công tác triển khai thực hiện dự án.

Đồng thời Hội cũng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra giám sát, đánh giá việc thực hiện ở địa phương, khắc phục kịp thời những khó khăn vướng mắc. Để làm sao những người dân trong diện thụ hưởng dự án họ nhận thức được những lợi ích đem lại từ dự án. Từ đó họ quan tâm gắn bó với các hoạt động của dự án tại chính cộng đồng họ.

Và để đạt được những kết quả cao hơn, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Khi thành lập Tổ truyền thông cộng đồng, Câu lạc bộ, cần chú ý đến lựa chọn những người có uy tín, được cộng đồng tôn trọng, để họ bầu ra làm chủ nhiệm Câu lạc bộ, Tổ truyền thông một cách khách quan, dân chủ. Như vậy khi đi vào hoạt động không gặp phải những vướng mắc, công việc chia sẻ thuận lợi. Cần phải đem đến những hoạt động giá trị thiết thực cho đời sống của các thành viên, hội viên và cộng đồng. Các công việc có thể đan xen, lồng ghép với nhau, miễn sao kết quả cuối cùng đạt được mục tiêu như mong đợi. Ví dụ như tổ chức văn nghệ trước buổi tuyên truyền. Khi mọi người có tâm trạng thoải mái thì sẽ hào hứng nghe các nội dung tuyên truyền của Dự án.

Để Dự án 8 đi vào cuộc sống và được duy trì bền vững- Ảnh 5.

Tiểu phẩm tuyên truyền về thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ hủ tục lạc hậu xã Hộ Đáp, Lục Ngạn (Bắc Giang)

Cách tuyên truyền các nội dung dự án cần diễn giải một cách ngắn gọn, dễ nghe để người dân nắm bắt được các nội dung mình hướng đến. Nếu làm máy móc sẽ khiến nội dung khô cứng, không hấp dẫn, dễ khiến người dân cảm thấy nhàm chán, kết quả thu được không cao.

Và cuối cùng, để dự án hoạt động hiệu quả, cần đưa Dự án 8 vào cuộc sống thông qua các hội thi, các hoạt động giao lưu. Hội thi/ giao lưu là một hình thức thiết thực góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ đồng thời là dịp giao lưu, học hỏi chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực, chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em. Qua hội thi, giao lưu nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ và nhân dân thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Dự án 8 đề ra.

Nhìn chung, đến nay, các hoạt động của Dự án 8 đã được Hội LHPN tỉnh Bắc Giang triển khai bám sát vào kế hoạch, hướng dẫn của Hội cấp trên và UBND các cấp. Các mô hình, hoạt động của Dự án được người dân đón nhận, ủng hộ và được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm