Những năm qua đời sống của đồng bào dân tộc Pa Cô ở xã A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, đường bê tông đã được bao phủ đến tận thôn, bản giáp biên giới.
Ông Hồ Văn Bui (người có uy tín trong cộng đồng ở xã A Vao) cho biết, theo phong tục của người Pa Cô tại xã A Vao, khi phụ nữ mang thai từ tháng thứ 3 trở lên thì sẽ không được ra ngoài vào buổi tối.
Từ thời xa xưa, người Pa Cô quan niệm rằng nếu phụ nữ mang thai mà ra ngoài vào buổi tối thì sẽ bị "ma" theo và "bắt" đi đứa trẻ trong bụng. Hoặc nếu đứa trẻ được sinh ra thì sẽ mang đến vận hạn đen đủi cho cả bản làng.
"Dù chuyển dạ hay tình trạng sức khỏe nguy kịch thì phụ nữ mang thai cũng không được đến bệnh viện vào buổi tối mà họ phải chờ đến sáng hôm sau mới đi. Nếu phụ nữ mang thai cố tình ra ngoài thì sẽ bị cả bản "cô lập" và người vi phạm sẽ bị đuổi ra khỏi dòng họ", ông Bui cho hay.
Theo ông Bui, chính vì hủ tục lạc hậu này mà đã có không ít những sự việc đau lòng xảy ra khi cả mẹ và con đều tử vong vì không được đến bệnh viện kịp thời.
Chị Hồ Thị Chăn (42 tuổi, thôn Tân Đi 3, xã A Vao) cho biết, chị sinh được 4 người con, nhưng chỉ có con đầu là chị đến bệnh viện sinh, còn lại 3 người con chị phải tự vượt cạn ở nhà vì sinh vào buổi tối.
"Sinh con tại nhà cũng lo lắm vì không có bác sĩ, nhưng phong tục ở đây là thế, nếu mang thai mà ra ngoài buổi tối thì con sẽ bị "ma" bắt. Tôi không rõ phong tục này có từ bao giờ, nhưng từ nhỏ tôi đã biết có tục này…", chị Chăn cho hay.
Những năm qua, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thường xuyên đến từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền vận động người dân thay đổi nhận thức về tục lệ này, nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại, chưa được giải quyết triệt để.
Theo tìm hiểu, trước đây dân tộc Pa Cô sinh sống tại xã A Vao còn có phong tục phụ nữ chỉ được sinh con tại nhà (đẻ chòi), nếu sinh con ở nơi khác rồi mới đem con về bản thì sẽ bị cả bản phạt 1 con trâu. Tuy nhiên phong tục này đã được xóa bỏ khoảng 15 năm nay.
Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã A Vao, cho biết, những năm qua đồng bào dân tộc Pa Cô sinh sống tại địa phương đã loại bỏ được nhiều phong tục tập quán lạc hậu như: kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết, đẻ chòi... Tuy nhiên trong đời sống người dân vẫn còn tồn tại một số phong tục không phù hợp khiến phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi.
"Chính quyền địa phương, các Hội LHPN, Hội Nông dân, Trạm Y tế, trưởng thôn… thường xuyên tuyên truyền vận động bà con về việc từ bỏ phong tục "phụ nữ mang thai ra ngoài vào buổi tối sẽ bị ma bắt". Phong tục này là hoàn toàn sai trái khiến phụ nữ chịu thiệt thòi. Những năm gần đây nhiều người đã thay đổi không còn tin theo phong tục này nữa, chỉ còn một số hộ ở các thôn vùng sâu, vùng xa của xã là giữ tục lệ này, điều này rất đáng buồn", ông Nhiếp cho hay.
Bên cạnh việc một số người đồng bào dân tộc Pa Cô vẫn giữ phong tục "phụ nữ mang thai không ra ngoài buổi tối" thì tình trạng phụ nữ hút thuốc lá (dạng tẩu) tại địa phương này cũng khá cao. Theo thống kê của Hội LHPN xã A Vao, cứ 10 phụ nữ trên 50 tuổi thì có đến 9 người hút thuốc lá.
Bà Hồ Thị Thoa, Chủ tịch Hội LHPN xã A Vao, cho biết, phụ nữ tại xã A Vao có thói quen hút thuốc lá từ nhiều đời nay. Thuốc này do họ tự lên rừng hái, mang về phơi khô, sau đó cuốn vào hút. Người Pa Cô trước đây cho rằng, đây là lá của một loại thuốc, hút vào không những không độc hại mà còn tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đây là một quan điểm rất sai trái và nguy hiểm.
Trong lúc đang làm việc, phụ nữ Pa Cô ở xã A Vao cũng hút thuốc
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN đã liên tục vận động các bà, các chị từ bỏ việc hút thuốc lá vì gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, chỉ có những người mới hút nghe theo, còn những người đã hút lâu năm thì họ không nghe hoặc khi có cán bộ ở đó thì họ giả vờ dập thuốc đi, nhưng khi cán bộ ra về họ lại châm lên hút tiếp...
A Vao là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị hơn 70km. Toàn xã có 6 thôn với 3.496 khẩu, 98% dân cư là đồng bào dân tộc Pa Cô. Do điều kiện địa hình phức tạp, khó giao thương nên đời sống đồng bào Pa Cô ở đây còn nhiều khó khăn với hơn 50% số hộ thuộc diện hộ nghèo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn