Tại cuộc họp báo chiều 10/9, trả lời câu hỏi liên quan đến việc quán ăn chưa thể hoạt động lại do thiếu nguyên liệu, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết, số liệu thống kê cho thấy hiện thành phố hơn 7.500 doanh nghiệp, cùng hàng chục ngàn hộ kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống do các quận huyện cấp phép.
Sở Công Thương cho rằng việc tiếp cận thông tin từ 1 - 2 doanh nghiệp, một số cửa hàng để đánh giá tình hình chung cho toàn bộ hệ thống là chưa chính xác. Đây có thể chỉ là hiện tượng, cần phải tìm hiểu kỹ hơn.
Theo ông Phương, hiện nay nhiều thực phẩm như tinh bột, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản và rau củ quả là những nguyên liệu chính. Bên cạnh đó có các loại đường, muối, nước mắm, dầu ăn… "Hiện nay chúng tôi theo dõi không thiếu. Như vậy, nói rằng, thiếu nguyên liệu là không chính xác", ông Phương nói.
Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cũng thừa nhận, việc mở lại quán ăn hiện thấp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này.
Thứ nhất, về cách thức vận hành, các quán ăn phải mở lại hoạt động trong an toàn, an toàn tới đâu mở tới đó. Các loại hình này trước mắt phải thực hiện "3 tại chỗ", chỉ bán mang về thông qua người giao hàng (shipper). Tuy nhiên, hiện nay shipper chỉ hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện. Người kinh doanh sẽ phải tính toán "3 tại chỗ" cũng gặp một số khó khăn.
Thứ hai, cách thức tiếp cận với nguồn nguyên liệu cũng khác. Trước đây, người kinh doanh có các nhà cung cấp thường xuyên, chỉ cần gọi điện thoại là giao hàng hóa tới. Còn hiện tại, người kinh doanh phải đặt hàng qua một người khác, vì các nhà cung cấp hiện nay chưa có giấy đi đường để có thể cung cấp được.
Thứ ba, hiện nay khách hàng, người dân không được trực tiếp đi ra đường, chỉ mua thông qua shipper, mà shipper chỉ hoạt động trong quận, huyện. Có nghĩa là quán ăn này chỉ phục vụ trong phạm vi 1 quận, huyện. Các quán ăn sẽ có khả năng không có lượng khách hàng lớn như trước đây. Từ đó, dẫn đến việc các quán ăn sẽ cân nhắc có mở ngay lúc này hay không.
"Qua đánh giá thông tin sơ bộ có thể thấy rằng đây là những nguyên nhân dẫn đến các quán ăn hiện nay còn cân nhắc, chưa hoạt động rộng rãi. Còn nói rằng thiếu nguyên liệu thì lý do này không chính xác", Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho hay.
Trước đó, vào ngày 7/9, UBND TPHCM đã có văn bản về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Trong đó, cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi, các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Các cơ sở phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, TP Thủ Đức để được cấp giấy đi đường; phải đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 2 ngày/1 lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn