Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội vừa ban hành Sổ tay hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo để hướng dẫn về quy trình và cách thức tổ chức thực hiện dự án cho cán bộ quản lý, tổ chức thực hiện ở các cấp, chủ yếu là cấp tỉnh, huyện và xã, thuộc cơ quan chủ chương trình và các cơ quan, đơn vị chủ trì, thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bên vững giai đoạn 2021-2025.
Sổ tay gồm ba phần chính: Phần thứ nhất giới thiệu một số khái niệm, nội dung, phạm vi, các nguyên tắc, quy trình xây dựng và tổ chức thực hiện dự án. Phần thứ hai hướng dẫn các bước xây dựng, phê duyệt dự án. Phần thứ ba hướng dẫn cụ thể các bước để tổ chức thực hiện dự án.
6 nguyên tắc trong thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
Sổ tay định nghĩa mô hình giảm nghèo là các hình thức, phương thức, giải pháp hỗ trợ các nguồn lực để người nghèo, cộng đồng nghèo tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm tạo việc làm, thu nhập tốt, sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.
6 sáu nguyên tắc trong thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bao gồm:
Một là, Ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện hoạt động phát triển sản xuất là hỗ trợ có điều kiện; thời gian hỗ trợ theo chu kỳ sản xuất hoặc theo thời hạn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án, kế hoạch, phương án, mô hình phát triển sản xuất thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; mô hình, dự án giảm nghèo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ trì thực hiện.
Hai là, tăng cường huy động vốn tín dụng, vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức và cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất. Thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn vốn để thực hiện dự án.
Ba là, chi phí lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất (bao gồm chi phí khảo sát, đánh giá; thành lập hội đồng lựa chọn dự án, mô hình; lựa chọn đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ; tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ; thẩm định giá trong phương án mua sắm vật tư, hàng hóa, dịch vụ) được tính trong kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất hoặc kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; không vượt quá 5% tổng kinh phí được giao để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.
Bốn là, ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận tại giấy biên nhận mua bán với người dân.
Năm là, các dự án, kế hoạch, phương án, mô hình (gọi chung là dự án) phát triển sản xuất phải bảo đảm tối thiểu 50% người dân tham gia dự án là đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thực hiện dự án có hơn 70% người dân tham gia dự án là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Sáu là, thanh toán, quyết toán nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất căn cứ kết quả nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành theo tiến độ từng năm hoặc giai đoạn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn