Sóc Trăng: Chia sẻ nhu cầu và thách thức về nước sạch và vệ sinh tại địa phương

07:37 | 02/04/2023;
Nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị nhằm phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa nông thôn với đô thị, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường giai đoạn 2012-2020 đã đạt được một số kết quả nhất định và góp phần không nhỏ trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân khu vực nông thôn Sóc Trăng.

Chia sẻ nhu cầu và thách thức về nước sạch và vệ sinh tại địa phương - Ảnh 1.

Bà Trần Kim Phượng - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: Kiều Trang

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Trần Kim Phượng - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương.

Thưa bà, tính đến nay, Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những kết quả nào trong chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường?

Với những nỗ lực của tỉnh, đến năm 2020, theo báo cáo của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt QCVN 02:2009/BYT là 63,02%, trong đó tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt QCVN 02:2009/BYT từ công trình cấp nước tập trung là 51,11%. Tổng số xã được tiếp cận các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh là 74/80 xã, còn lại 6 xã trong tỉnh chưa có công trình cấp nước tập trung. Như vậy, còn có tỷ lệ cao hộ gia đình tự cung cấp nước ở những huyện này sử dụng nước không an toàn. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân nơi đây. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu là 97,96% (tương đương 257.045 hộ/ tổng số 262.398 hộ), vẫn còn khoảng 2.1% số hộ gia đình không có nhà tiêu. Một số đã có nhà vệ sinh kiên cố.

Sóc Trăng: Chia sẻ nhu cầu và thách thức về nước sạch và vệ sinh tại địa phương - Ảnh 2.

Việc xây dựng các tuyến đường hoa nông thôn mới đã nhận hưởng ứng tích cực của người dân

Theo số liệu thống kê của UNICEF năm 2019, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh của tỉnh là 65%. Như vậy, số lượng hộ gia đình chưa có nhà tiêu và có nhà tiêu nhưng không hợp vệ sinh là 86.719 hộ (chiếm 35%). Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đặc biệt còn thấp tại một số huyện trên địa bàn tỉnh, cụ thể như huyện Kế Sách (57,52%) và huyện Mỹ Tú (55,96%).

Vậy nguyên nhân nào khiến tỉ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh tại địa phương còn thấp?

Nguyên nhân chủ yếu do tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn khá cao, nhiều hộ gia đình vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Theo thống kê của Trung tâm nước sạch và vệ sinh tỉnh và số liệu thống kê của UNICEF năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận với nước sạch ở các huyện chỉ ở mức 60-70%, trong 11 đơn vị hành chính, có 2 huyện có tỷ lệ thấp dưới 50%. Đa số những xã có tỷ lệ tiếp cận nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh thấp hiện nay đều là những xã có tỷ lệ nghèo cao, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Một thực trạng nhận thấy ở những xã này là những hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh còn lại đều là những hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật, gia đình neo đơn, thu nhập thấp, điều kiện kinh tế còn kém nên chưa có khả năng tự cải thiện được điều kiện vệ sinh và nước sạch ở gia đình họ.

Sóc Trăng: Chia sẻ nhu cầu và thách thức về nước sạch và vệ sinh tại địa phương - Ảnh 3.

Tuyến đường thông thôn mới kiểu mẫu tại ấp Trung Hòa, xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh, đến cuối năm 2022, có thêm 5 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Theo tính toán tại địa bàn của 10 xã số hộ chưa có nhà tiêu hoặc có nhà tiêu nhưng chưa hợp vệ sinh tại 10 xã là 7.486 hộ. Đây là những xã sẽ rất cần can thiệp về nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi để có thể đạt được các chỉ tiêu 3 sạch "sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ" trong tiêu chí 17.8, đặc biệt là tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh và sử dụng nước an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc gia.  

Những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh trong thời gian qua như thế nào?

Nhận thức của hội viên, phụ nữ về vệ sinh nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung và cuộc vận động ở một số địa bàn chưa đầy đủ, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu, khó xóa bỏ. Nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế. Người dân quen với nếp cũ là chỉ cần quan tâm đến nhà ở mà chưa quan tâm đến xây dựng công trình phụ như nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh, hầu hết chưa thấy được tầm quan trọng của "các công trình phụ" này đối với đời sống của mình và cộng đồng.

Kinh phí đầu tư cho "các công trình phụ" của hộ gia đình còn thấp. Các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình khuyết tật là những gia đình có thu nhập rất thấp, khó có điều kiện để xây dựng nhà tắm, bể chứa nước và đặc biệt là nhà tiêu hợp vệ sinh và rất cần sự hỗ trợ từ bên ngoài...

Cần hỗ trợ các gia đình hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo thuộc các xã dự kiến đạt tiêu chí Nông thôn mới tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các quỹ hỗ trợ nước sạch, vệ sinh tại địa phương để xây dựng nhà tiêu, nhà tắm và thiết bị chứa nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, đảm bảo các tiêu chí  "3 sạch" của Hội LHPN Việt Nam và tiêu chí 17.8 trong Chương trình Quốc gia về xã Nông thôn mới. 

Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện này!

Hội LHPN các cấp trong tỉnh và Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức triển khai thực hiện thành công chỉ tiêu 17.8 xã nông thôn mới và chỉ tiêu 18.7 xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có nội dung 3 sạch, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tạo điều cho phụ nữ và trẻ em trong tỉnh được tiếp cận được nước sạch và vệ sinh trong thời gian tới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn