pnvnonline@phunuvietnam.vn
Còn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn
Bà Tôn Ngọc Hạnh (phải), Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu khai mạc hội thảo
Nước sạch và vệ sinh là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em. Để thúc đẩy hơn nữa việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho phụ nữ và trẻ em đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động của Trung ương Hội và các tỉnh trong 3 năm tới.
Hiện nay, còn 22% hộ gia đình nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh (khoảng gần 14 triệu người dân ở khu vực nông thôn đang sử dụng các nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn), 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn, điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt phụ nữ và trẻ em.
Hàng năm, tại Việt Nam có khoảng 20 nghìn ca tử vong do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, 9.000 người tử vong do nguồn nước bị ô nhiễm... Vệ sinh môi trường yếu kém sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại khoảng gần 800 triệu USD do tình trạng vệ sinh kém gây nên.
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết, hơn 10 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan, đối tác trong nước, tổ chức quốc tế, các cấp Hội đã tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu quốc gia về vệ sinh và nước sạch giúp hàng triệu hộ gia đình phụ nữ cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt tiêu chí 17.8: tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chí 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ theo nội dung cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do Hội LHPN phát động, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện 3 sạch, với mục tiêu đóng góp ít nhất 10% vào mục tiêu chung của cả nước.
Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở phát huy vai trò của các cấp Hội thông qua việc thực hiện thí điểm hỗ trợ kỹ thuật tại 4 tỉnh (Sóc Trăng, Cà Mau, Thái Nguyên, Gia Lai).
Những thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo về giải pháp hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận với nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững do Hội LHPN Việt Nam tổ chức với sự hỗ trợ của Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF).
Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu dự thảo Kế hoạch hành động của Hội LHPN các cấp thực hiện 3 sạch trong chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời tham vấn với các Bộ/Ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế để hoàn thiện kế hoạch và thống nhất các giải pháp phối hợp với Hội LHPN Việt Nam trong quá trình thực hiện.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh nêu ra một số ý kiến trong quá trình hỗ trợ các tỉnh xây dựng đề án/kế hoạch:
- Cần quán triệt đây là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, các ngành các cấp, chứ không phải của riêng Hội.
- Mặc dù số liệu thực hiện các chỉ tiêu về nước sạch, vệ sinh có vẻ khá khả quan nhưng tại các địa bàn tỷ lệ hộ gia đình (HGĐ) có nhà tiêu hợp vệ sinh cao thì những đối tượng còn lại là những hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, khuyết tật khó có điều kiện cải thiện công trình nước sạch và vệ sinh, rất cần có sự hỗ trợ, vào cuộc của các cấp, các ngành trong đó có Hội LHPN các cấp.
- Để không có ai bị bỏ lại phía sau, cần phân nhóm địa bàn, xây dựng phương án tiếp cận và giải pháp can thiệp phù hợp, hiệu quả:
Nhóm 1: Các tỉnh còn nhiều xã chưa đạt NTM, tỷ lệ HGĐ có thiết bị chứa nước, nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) còn thấp, tỷ lệ HGĐ chưa có nhà tiêu còn cao -> nhóm này chúng ta tiếp cận theo hướng tăng tỷ lệ HGĐ có nhà tiêu HVS
Nhóm 2: Các tỉnh có số lượng xã đạt Nông thôn mới cao, tỷ lệ HGĐ có thiết bị chứa nước, nhà tiêu HVS đáp ứng tiêu chí của các chương trình MTQG nhưng vẫn còn HGĐ không có nhà vệ sinh -> nhóm này chúng ta tiếp cận theo hướng tất cả các HGĐ đều sử dụng nước sạch và nhà tiêu HVS.
- Kế hoạch/Đề án của Hội LHPN các tỉnh/thành cần có sự quan tâm về công tác chỉ đạo, cơ chế và nguồn lực của UBND các tỉnh, sự phối hợp hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực của các sở ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
- Cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề nước sạch và vệ sinh để chính người dân thấy được sự cần thiết mà thay đổi hành vi, thói quen, tập quán không tốt của mình. Đây là yếu tố tự thân và rất quan trọng.
- Phát huy kinh nghiệm, chia sẻ và vận dụng sáng tạo, phù hợp cách làm của những mô hình đã thành công;
- Cần xây dựng được mô hình mới, sáng tạo, thực hành tốt phù hợp với đặc điểm văn hóa người dân ở từng vùng miền.
- Cần xác định ưu tiên, lựa chọn các hoạt động phù hợp, ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả quá trình thực hiện để đạt hiệu quả nhất, tránh dàn trải.
Đảm bảo quyền tiếp cận nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho mọi người dân có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết bởi nó tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của họ. Nội dung này đã được đưa vào mục tiêu số 6 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của các quốc gia Liên hợp quốc.
Đồng thời, việc vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng, sử dụng nhà tiêu HVS và nước sạch đã được Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện trong nhiều văn bản như: Kế hoạch thực hiện Chương trình nghị sự vì sự phát triển bền vững đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh nông thôn; các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành, trong đó Hội LHPN Việt Nam đã có đóng góp trong việc ban hành quyết định số 94 và 792 hướng dẫn thực hiện tiêu chí 17.8 và 18.7 trong bộ tiêu chí NTM và NTM nâng cao, kiểu mẫu.