"Sứ giả" đưa cây bèo, cây cói Việt Nam ra thế giới
12:57 | 17/05/2023;
Từ lũy tre làng, những món đồ thủ công mỹ nghệ đã mở ra hướng đi mới cho làng nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho lao động, đặc biệt là phụ nữ trung tuổi, cao tuổi tại địa phương. Họ chính là những "sứ giả" đưa hồn quê Việt vươn ra thế giới.
Đến thăm xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi được tận mắt chứng kiến sự sáng tạo của những người nghệ nhân, những người phụ nữ làng nghề nơi đây. Từ những vật liệu dân dã, mộc mạc của làng quê như cói, bèo tây (lục bình), mây, tre… qua bàn tay của các bà, các chị đã trở thành những món đồ dùng có tính ứng dụng cao, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được người tiêu dùng yêu thích.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, những mặt hàng mỹ nghệ từ cây bèo, cây cói của vùng bãi ngang ven biển do người dân Kim Sơn làm ra đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản… vì có tính thẩm mỹ và độ bền cao và thân thiện với môi trường.
Còn những người thuộc thế hệ trẻ như chị Thanh Hương, sẽ đi tìm thị trường, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Những sản phẩm từ làng quê được giới thiệu đến khách hàng thủ đô
Nghề đan lát thủ công mỹ nghệ bèo tây đã giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân, không chỉ tăng thêm thu nhập, giúp bà con Kim Sơn giảm nghèo bền vững mà đời sống ngày càng khấm khá hơn.
Dù nghề truyền thống hiện đang thu hút chủ yếu là lao động nữ cao tuổi tại địa phương, nhưng những người nghệ nhân như bà Vũ Thị Mỹ vẫn luôn lạc quan, bởi bà tin tưởng vào sức sống của nghề quê hương. Bà tâm sự: "Thế hệ trẻ, trong đó có con cháu chúng tôi ngày nay thích đi làm việc ở công ty hơn. Nhưng tôi tin rằng, khi đã bay nhảy thỏa sức, ở tuổi về hưu, thì các con, các cháu lại tiếp tục nối nghiệp chúng tôi, quay về làm nghề truyền thống. Chúng cũng như chúng tôi, nghề đã ngấm vào máu từ tấm bé thì sẽ không sợ bị mất nghề".
Từ lũy tre làng, những món đồ thủ công mỹ nghệ này đã mở ra hướng đi mới cho làng nghề, giúp giữ nghề đan truyền thống của Kim Sơn, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho lao động, đặc biệt là phụ nữ trung tuổi, cao tuổi tại địa phương. Họ chính là những "sứ giả" đưa hồn quê Việt vươn ra thế giới.