Vận động phụ nữ phát triển kinh tế, "giữ lửa" cho làng nghề truyền thống

Thùy Dung
07/04/2023 - 15:47
Vận động phụ nữ phát triển kinh tế, "giữ lửa" cho làng nghề truyền thống

Phụ nữ Lộ Cương giữ lửa làng nghề

Xây dựng và giữ vững thương hiệu làng nghề truyền thống, giúp đỡ hội viên phụ nữ phát triển sản xuất là cách Hội LHPN phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương, đang triển khai thực hiện để chị em chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau giảm nghèo bền vững.

Đến làng nghề bánh đa Lộ Cương (phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) vào bất cứ mùa nào trong năm, khách phương xa đều bắt gặp một màu vàng nhuộm khắp những con đường quanh co trong làng, trong xóm. Ấy là khung cảnh vô cùng đặc biệt của những phên bánh đa vừa ra lò còn nóng hổi.

Nghề làm bánh đa rất vất vả, phải thức khuya dậy sớm. Người làng nghề Lộ Cương ai cũng quen thức khuya dậy sớm. Gạo thì phải ngâm từ tối hôm trước. 3h sáng, người làng đã gọi nhau xay bột, tráng bánh để kịp cho ra lò những phên bánh đa vào buổi sáng sớm. Những phên bánh đa sau khi tráng được mang ra phơi trên mọi nẻo đường, ngõ xóm trong làng. Công đoạn phơi bánh là khó khăn và vất vả nhất vì phải phụ thuộc vào nhiệt độ, nắng, độ ẩm, không khí… 

Nếu không cẩn thận, bánh sẽ bị nứt, phải bỏ đi. Nếu trời nắng nhẹ, bánh được phơi khoảng từ 3-5 tiếng. Đặc biệt, muốn có bánh đa ngon phải đảm bảo các yếu tố: Gạo phải chuẩn, bột mịn tơ nhiệt độ cao.

Vận động phụ nữ phát triển kinh tế, giữ lửa cho cho làng nghề truyền thống - Ảnh 1.

Làng nghề bánh đa Lộ Cương (phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương)

Dù làm bằng phương pháp thủ công truyền thống hay làm bằng máy liên hoàn hiện đại, thì người làm bánh cũng đều cần phải thật cẩn thận, tỉ mỉ. Đối với những hộ sản xuất thủ công, bán thủ công, công đoạn phơi bánh là vất vả nhất vì phụ thuộc vào thời tiết. Còn nếu làm bằng máy liên hoàn, các công đoạn làm bánh cũng phải thật chú ý. Đặc biệt, nhiệt độ khi tráng bánh phải cao thì bánh mới chín đều và phồng đẹp. 

Do vậy công đoạn sấy bánh cũng thường do những người có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện. Bánh đa sau khi tráng và phơi khô sẽ được cắt thành những sợi nhỏ và được tạo hình thành những con sò hay con gập, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.  

Vận động phụ nữ phát triển kinh tế, giữ lửa cho cho làng nghề truyền thống - Ảnh 2.

Giờ đây, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang sản xuất bánh đa bán thủ công và bằng máy liên hoàn

Giới thiệu về nghề làm bánh đa truyền thống ở làng Lộ Cương, chị Ngô Thùy Dung, Chủ tịch Hội LHPN phường Tứ Minh cho biết: Nghề làm bánh đa xuất hiện ở làng Lộ Cương, phường Tứ Minh từ những năm 1960, nhưng đến năm 1990, nghề làm bánh đa mới thực sự phát triển mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia sản xuất. Tháng 3/2006, Lộ Cương chính thức được công nhận là làng nghề. Đến năm 2018, thành phố Hải Dương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương xây dựng nhãn hiệu tập thể Bánh đa Lộ Cương và triển khai hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại Làng nghề bánh đa Lộ Cương.

Ngày trước, khi máy móc công nghệ còn hạn chế, người dân chủ yếu làm bánh đa thủ công bằng tay, bột được xay bằng cối thủ công, tráng thủ công trên nồi đồng đun củi. Những năm gần đây, bánh đa Lộ Cương được sản xuất theo hệ thống liên hoàn hoặc bán thủ công. Hiện nay, nhiều hộ trong làng nghề đã đầu tư dây chuyền khép kín, từ máy xay bột, tráng bánh đến cắt bánh... giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực. 

Vận động phụ nữ phát triển kinh tế, giữ lửa cho cho làng nghề truyền thống - Ảnh 3.

Dây chuyền khép kín giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực.

Góp phần giữ vững thương hiệu làng nghề truyền thống

17 năm kể từ khi được công nhận làng nghề, làng nghề bánh đa Lộ Cương đang có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, thu hút hơn 150 hộ làm nghề, trong đó khoảng 80% phụ nữ tham gia.

Xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt giúp đỡ hội viên, phụ nữ phát triển sản xuất, làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, Hội LHPN phường Tứ Minh tập trung xây dựng và giữ vững thương hiệu làng nghề truyền thống; vận động hội viên học hỏi chia sẻ kinh nghiệm làm bánh đa, nâng cao năng suất lao động, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Vận động phụ nữ phát triển kinh tế, giữ lửa cho cho làng nghề truyền thống - Ảnh 4.

Hội viên phụ nữ được Hội LHPN phường Tứ Minh vận động, hỗ trợ để giữ gìn và phát triển nghề làm bánh đa

Dù thời thế có đổi thay, làng nghề có nhiều lúc lao đao, nhưng các cấp Hội luôn vận động chị em cần cù chịu khó, khắc phục khó khăn để giữ lấy nghề. "Nhận thấy được tiềm năng của nghề làm bánh đa, Hội LHPN phụ nữ phường Tứ Minh chỉ đạo chi hội quan tâm khuyến khích và tạo điều kiện cho chị em giữ gìn và phát triển nghề làm bánh đa, hướng tới thương hiệu cho làng nghề truyền thống", Chủ tịch Hội LHPN phường Tứ Minh chia sẻ.

Khai thác nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và TYM, hiện tại Chi hội có 50 hộ vay vốn dư nợ gần 2 tỷ đồng thông qua kênh của Hội. Từ nguồn vốn đó, chị em đầu tư vào nhà xưởng, dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, với tinh thần tương thân tương ái, trong chi hội, chị em có điều kiện hơn đã giúp chị em khó khăn mua hàng chục tấn gạo để sản xuất. Khi thu hồi được vốn mới thanh toán tiền.

Vận động phụ nữ phát triển kinh tế, giữ lửa cho cho làng nghề truyền thống - Ảnh 5.

Nhiều chị em đã vươn lên trở thành hộ khá và giàu

"100% phụ nữ nghèo làm chủ hộ tại Lộ Cương được Hội phụ nữ giúp dưới nhiều hình thức, nhiều chị thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá và giàu. Từ những nguồn vốn đó, nhiều chị em từ khó khăn nay đã đủ vốn sản xuất. Trong khu có 14 máy tráng liên hoàn hiện đại và 2 máy tráng thủ công. Mỗi ngày, Lộ Cương sản xuất bình quân 60-65 tấn bánh bún phở các loại, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo việc làm cho 170 chị, thu nhập bình quân từ  10-12 triệu đồng/người/ tháng, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân", chị Ngô Thùy Dung cho biết.

Cuộc sống đổi thay từ nghề truyền thống

Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác của Hải Dương, làng nghề bánh đa Lộ Cương đang có nhiều thay đổi với những hướng đi, cách làm phù hợp nhằm giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, mang lại cuộc sống no đủ cho người dân địa phương.

Vận động phụ nữ phát triển kinh tế, giữ lửa cho cho làng nghề truyền thống - Ảnh 6.

Nhờ nghề bánh đa, cuộc sống của người dân Lộ Cương ngày càng khởi sắc

Làng nghề bánh đa Lộ Cương hôm nay có nhiều ngôi nhà cao tầng hiện đại, những con đường bê tông và hệ thống thoát nước kiên cố nhưng vẫn mang nét đẹp của làng nghề truyền thống trong không gian văn hóa Việt. 

Bánh đa Lộ Cương có mặt ở khắp các cửa hàng, cửa hiệu, các quán phở trên TP. Hải Dương, sang Hưng Yên, lên Hà Nội rồi xuất cả vào miền Nam. Những hộ nghèo như hộ của các chị Phạm Thị Dĩu, Phạm Thị Triển, Vũ Thị Đồi cũng đã thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá và giàu. Những đổi thay đó của chị em luôn có sự đồng hành, góp sức của các cấp Hội phụ nữ.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm