Những người phụ nữ "giữ hồn" cho làng nghề chè truyền thống

Những người phụ nữ "giữ hồn" cho làng nghề chè truyền thống

Năm nay, mùa đông đến muộn, thế nên, thời điểm này, ở các đồi chè xanh mướt ở thôn Tiên Trường (Tiên Hội, Đại Từ, Thái Nguyên) nhộn nhịp người hái. Tiếng nói, tiếng cười nhưng tay hái chè của các chị, các cô vẫn nhanh thoăn thoắt. Ở làng nghề chè truyền thống ở đây, phần lớn các chị em, phụ nữ làm nghề. Cần mẫn, khéo léo, tỉ mỉ và rất yêu nghề, họ chính là người giữ hồn cho làng nghề chè nơi đây.

Những người phụ nữ giữ hồn cho làng nghề chè truyền thống - Ảnh 1.

Năm nay, mùa đông đến muộn, thế nên, thời điểm này, các đồi chè vẫn xanh mướt

"Sống khoẻ" từ cây chè

Tay thoăn thoắt hái chè, chị Nguyễn Thị Toán (thôn Tiên Trường 2, xã Tiên Hội, Đại Từ, Thái Nguyên) giải thích: Nguyên tắc của hái chè là hái 1 tôm 2 lá. Nếu hái sâu xuống thì chè sẽ không ngon. Đưa nắm ngọn chè vừa hái cho chúng tôi ngửi, chị Toán cho biết: Thời điểm này chưa rét nên chè xanh tốt mơn mởn. Chè mùa này rất thơm và ngon. Nếu là những năm trước, chè đang "ngủ đông". Cái rét khiến chè không lên nổi. Trong khi mùa hè, chè cho thu hoạch từ 30-35 ngày/lứa thì mùa đông là 60-90 ngày/lứa. Như mọi năm, từ tháng 11 đến tháng 1, sẽ không thu hoạch được chè. Năm nay mùa đông đến muộn, thời điểm không thu hoạch chè cũng sẽ muộn hơn, từ tháng 12 đến tháng 2. Chè mùa xuân sẽ là ngon nhất vì sau khi nghỉ mấy tháng mùa đông, chè sẽ bật mầm lên. Hoặc chè cuối năm cũng ngon do chè được ngậm sương.

Những ngọn chè hái xong được đưa ngay đến xưởng

Nhà chị Toán trồng hơn 1 mẫu chè. Hôm chúng tôi đến cũng là ngày nhà chị thu hoạch chè. Chị Toán cho biết, chè chỉ thu hoạch trong 1-2 ngày. Thế nên, chị phải thuê thêm chục thợ đến hái chè. Với giá thuê hái là 8.000đ/kg thì những người hái nhanh cũng có thể kiếm 300.000đ-500.000d/ngày.

Những người phụ nữ giữ hồn cho làng nghề chè truyền thống - Ảnh 3.

Chủ yếu là những phụ nữ U50, U60 ở nhà làm chè

Chị Toán không phải dân gốc ở đất chè Tiên Hội. Thế nhưng, chị cũng gắn bó với nghề trồng chè, làm chè ở đây hơn 30 năm và tình yêu chị dành cho cây chè rất lớn. Bởi, nhờ có cây chè mà chị "sống khoẻ". "Mỗi năm, chè cho thu hoạch 7 lứa. Mỗi lứa được 4-6 tạ chè. Chè tươi bán được 45.000đ/kg, vị chi riêng cây chè cũng cho thu nhập trăm triệu đồng/năm. Chỉ trồng chè thôi thì không giàu được, thế nhưng chè cho thu nhập ổn định, cao hơn lúa khá nhiều. Tính ra, thu nhập từ trồng chè cao hơn lương làm công nhân ở các công ty. Thế nhưng, giờ người trẻ chỉ thích ra ngoài làm công ty, chỉ còn những phụ nữ U50, U60 ở nhà làm chè. Tuy nhiên, khi hết muốn "bay nhảy" ở bên ngoài, khi hết thời tuổi trẻ, các bạn ấy lại quay về nhà để… làm chè. Cây chè vẫn là quê hương, vẫn là cuộc sống của người dân ở đây", chị Toán chia sẻ.

Giữ thương hiệu cho làng nghề chè truyền thống

Những người phụ nữ giữ hồn cho làng nghề chè truyền thống - Ảnh 4.

Con đường bước vào làng nghề chè truyền thống xã Tiên Hội

Chè nhà chị Toán cũng như của 90% số hộ dân trong xã Tiên Hội khi được hái xong sẽ được đưa đến cơ sở sản xuất chè của chị Khúc Thị Hường (thôn Tiên Trường 2, xã Tiên Hội). Đây là xưởng sản xuất chè lớn nhất của làng nghề chè truyền thống xóm Tiên Trường 2. Lúc nào trong xưởng cũng có 6-7 lao động hăng say làm việc.

Từng công đoạn đều được làm cẩn thận

Chị Hường cho biết, quy trình chế biến chè xanh tại xưởng của chị gồm hơn chục bước: Búp chè tươi-Làm héo- Diệt men- Vò và rũ tơi- Sao khô lần 1-Sao khô lần 2- Sao khô lần 3- Chè bán thành phẩm- Ủ hương- Đấu trộn- Đóng gói bảo quản- Chè thành phẩm. Để sao chè ngon, xưởng chè của gia đình chị Hường vẫn dùng bếp củi. Và mọi công đoạn, dù có máy hỗ trợ nhưng vẫn làm thủ công là chủ yếu.

Chè ở làng nghề chè truyền thống của xã Tiên Hội được đánh giá là ngon. Dù chưa có thương hiệu như chè Tân Cương nhưng chất lượng chè ở đây không kém, thậm chí ngang ngửa với chè Tân Cương. Chè ngon, có chất lượng tốt hơn hẳn các vùng khác, theo chị Hường, quan trọng nhất là nhờ chất đất ở xã Tiên Hội. Ngoài ra, tất cả các khâu làm chè đều rất quan trọng. "Từ khâu chăm sóc chè, thu hoạch đúng lứa, hái đúng kỹ thuật đến các khâu chế biến tại xưởng. Chỉ cần hỏng 1 khâu là coi như mẻ chè… vứt đi". Thế nên, để giữ được chất lượng chè, những người thợ mà chị Hường chọn làm cho cơ sở của mình cũng đều có tay nghề giỏi.

Chị Khúc Thị Hường (bên trái) giới thiệu chè cho khách

Kỹ càng, chăm chút trong từng công đoạn nên chè của xưởng chị Hường được nhiều nơi biết đến, cơ sở sản xuất đươc mở rộng ra dần dần. Chị Hường cho biết, mỗi tháng, xưởng của chị bán được khoảng chục tấn. Khách hàng của chị thường là các doanh nghiệp chè hoặc các đại lý lớn. "Có rất nhiều loại chè. Có những loại chè ngon giá tiền triệu. Chúng tôi luôn cố gắng làm uy tín nhất để giữ thương hiệu làng nghề chè truyền thống xã Tiên Hội. Ở nhiều nơi, để tạo màu xanh cho chén nước chè, người ta cho "chất xanh" vào chè. Chè tự nhiên thường không có màu xanh mà chỉ có màu vàng vàng hanh hanh. Thậm chí, có những chè khi vào mùa đông còn cho nước màù "đỏ" khiến khách hàng không thích. Chính sở thích "nước chè màu xanh" của người tiêu dùng khiến người làm chè ở nhiều nơi sử dụng hoá chất, những chất ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chúng tôi luôn cố gắng giữ thương hiệu cho làng nghề chè truyền thống bằng việc làm ra chè ngon nhưng phải sạch", chị Hường chia sẻ.

25/11/2022 00:00