Trong công cuộc giảm cân của phụ nữ, điều khó khăn nhất là phải sắp xếp lại lịch trình sinh hoạt và dành thời gian để tập thể dục nhiều hơn. Đồng thời giảm bớt khẩu phần ăn, loại bỏ những thực phẩm bản thân yêu thích thay thế bằng những món ăn khô khan như thịt ức gà, khoai lang, rau củ luộc...
Với nhiều chị em, việc tự kìm hãm nhu cầu của chính mình để có thân hình thon gọn hơn là điều vô cùng "bất khả thi". Do đó, không ít người quyết định sử dụng thuốc giảm cân để có thân hình trong mơ mà không cần phải nhịn ăn hay vận động quá nhiều.
Có cung ắt có cầu, trên thị trường hiện nay có vô vàn sản phẩm quảng cáo là thuốc giảm cân được bày bán. Có loại có giá thành chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng có sản phẩm lên đến vài triệu đồng.
Thời gian gần đây, có một sản phẩm chứa CLA được quảng cáo là "thuốc giảm cân" đang gây "sốt" trên thị trường. Chúng được không ít người nổi tiếng "lăng xê" trên mạng xã hội với vô vàn công dụng thần thánh.
Không khó để nhận thấy bài quảng cáo về "sản phẩm giảm cân" chứa CLA của những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng tới công chúng này có những điểm chung như sau:
- Có thể đào thải mỡ thừa qua đường bài tiết, đôi khi đi tiểu cũng thấy váng mỡ.
- Đốt mỡ nội sinh trong 24h, chỉ cần dùng 2 viên mỗi ngày là có thể hóa lỏng mỡ tảng, mỡ khối, mỡ lâu năm...
- Được FDA chứng nhận/công nhận về tác dụng.
Những bài quảng cáo về thuốc giảm cân có tác dụng bài tiết mỡ thừa, đốt mỡ liên tục 24h.
Những lời quảng cáo hấp dẫn như vậy nhanh chóng biến sản phẩm giảm cân này trở thành mặt hàng được nhiều người lựa chọn. Và chính vì nó được quảng cáo bởi những người "có tầm ảnh hưởng" mà rất dễ khiến người tiêu dùng tin tưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít người thắc mắc về công dụng thực sự của sản phẩm. Liệu chúng có thực sự tốt như vậy?
Theo các chuyên gia y tế, huấn luyện viên Fitness, lời quảng cáo sản phẩm giảm cân chứa CLA nói trên của không ít người nổi tiếng đều chưa đúng sự thật, thậm chí là thổi phồng công dụng. Điều này dễ khiến cho người dùng hiểu sai và kết quả là sử dụng sản phẩm một cách thiếu thận trọng.
Để có câu trả lời cho vấn đề này, trước hết chúng ta cần hiểu rõ về cơ chế giảm cân, thải mỡ của cơ thể. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) phân tích như sau: "Mỡ thường tích tụ ở những phần có thịt, có cơ. Nó không nằm trong ruột vì thế không thể thải qua đường bài tiết. Khi giảm cân, mỡ sẽ được phân giải thành năng lượng, biến thành C02, thải qua phổi khi ta thở. Hoặc biến đổi thành năng lượng trong quá trình chúng ta vận động".
Trước lời quảng cáo "thuốc giảm cân có thể thải mỡ qua đường bài tiết", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng đây là một điều vô lý, phản khoa học. "Việc quảng cáo uống các loại thuốc giảm cân rồi sau đó đại tiện, tiểu tiện là không đúng", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.
Bà Nguyễn Bảo Linh (Giảng viên Chất lượng cao của Học viện Đào tạo Fitness Toàn diện HFI) cho biết, việc uống một loại thuốc giảm cân mà đi tiểu ra váng mỡ là điều vô lý. Bởi kích thước đường tiểu của con người trên thực tế là rất nhỏ. Việc "váng mỡ" xuất hiện ở đây là gần như không thể. Nếu có, chúng hoàn toàn có thể gây nguy cơ tắc nghẽn, ảnh hưởng tới toàn bộ hệ bài tiết.
Trong trường hợp triệu chứng này xuất hiện là thật thì mọi người nên đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn kịp thời.
Về cụm từ "đốt mỡ nội sinh", các chuyên gia cho rằng đây là khái niệm rất mơ hồ, bởi chúng ta chỉ có mỡ ở bên trong chứ không hề có mỡ nào sinh ra từ bên ngoài, không bơm thứ gì vào để gọi là nội sinh cả.
Còn về lời quảng cáo "chỉ cần uống 2 viên thuốc giảm cân mỗi ngày là có thể giảm được mỡ tảng, mỡ khối, mỡ lâu năm", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng đây là thông tin không chính xác. Bởi tăng cân là kết quả của một quá trình dài tích mỡ. Do đó muốn giảm cân thì cần thay đổi cả một loạt thói quen sống để cơ thể thay đổi dần dần. Không có bất cứ thứ gì ngắn hạn có thể sửa chữa những tình trạng lâu năm, nhất là các vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Theo HLV Sơn Tùng Nguyễn (Coach Vincent): "Từ hóa lỏng, đào thải mỡ được nhiều cơ sở thẩm mỹ lạm dụng nhiều. Vì cho rằng mỡ tảng, mỡ khối đã cứng như đá, khó phá vỡ nên phải dùng các phương pháp đặc biệt mới xử lý được. Thực tế, các loại mỡ này có thể tiêu bớt qua quá trình sử dụng năng lượng. Bằng cách lấy axit béo vận chuyển vào máu, đi đến các phần cơ thể để đốt cháy và sử dụng".
HLV Sơn Tùng Nguyễn nhận định không có bất cứ chất hợp pháp nào có thể làm được việc thải mỡ mà không cần tập luyện và ăn kiêng. Nếu sản phẩm này cứ khẳng định là có thể làm điều đó thì rất có thể sản phẩm đó đã chứa những chất cấm, không được phép sử dụng.
Trước lời quảng cáo sản phẩm giảm cân có chứa CLA này đã được FDA công nhận về tác dụng. Giảng viên Nguyễn Bảo Linh cho biết: "Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) được đặt ra để giám sát độ an toàn của những sản phẩm thuộc danh mục quản lý của mình khi lưu hành tại Mỹ. Tuy nhiên, chưa có thông tin nào ghi rõ sản phẩm này được FDA chứng nhận an toàn khi lưu hành trong trường hợp nào?"
Đáng nói, khi thực hiện tìm kiếm về sản phẩm thuốc giảm cân này trên website chính thức của FDA Hoa Kỳ, kết quả cho thấy không thể tìm kiếm.
Theo Healthline, liều bổ sung CLA với hàm lượng lớn có thể tăng tích lũy chất béo trong gan dẫn tới hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường. Nhiều nghiên cứu ở cả động vật và người tiết lộ rằng CLA có thể gây viêm, gây kháng insulin và giảm cholesterol HDL tốt. Như vậy, rất khó để CLA trở thành loại thực phẩm chức năng tốt cho tim, ngược lại còn tiềm ẩn nhiều mối rủi ro cho sức khỏe nếu như dùng quá liều.
Hơn nữa, việc quảng cáo một sản phẩm giảm cân được cho là tốt cho tim mạch, huyết áp như vậy rất dễ gây ra những hiểu lầm. Những người bị bệnh này nếu không hiểu rõ sản phẩm có thể tin vào đó và mua về uống mà không cần chỉ dẫn của bác sĩ. Kết quả có thể làm cho bệnh khó kiểm soát, thậm chí nặng hơn.
Bàn về cơ chế giảm cân an toàn của các loại thuốc giảm cân, ThS. BSNT Nguyễn Thị Như Quỳnh (Khoa Nội tiết, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc) chia sẻ: "Các thuốc giảm cân được cho phép hiện nay hoạt động theo cơ chế giảm sự thèm ăn và thay đổi cách tiêu hóa thức ăn. Trên thị trường hiện nay có một số loại thuốc giảm cân, trong đó sản phẩm đang được biết đến nhiều là Orlistat. Orlistat ức chế bài tiết enzym lipase tuyến tụy, ruột từ đó gây ức chế tiêu hóa và hấp thu chất béo tại hệ thống ruột làm tăng cường bài tiết chất béo qua phân. Tuy nhiên hiệu quả giảm cân của Orlistat kém hơn một số thuốc khác.
Vì vậy, lựa chọn phương pháp giảm cân nào, có nên dùng thuốc hay không đều cần có sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, để lựa chọn phương pháp phù hợp, tránh lạm dụng thuốc, cũng như hạn chế tác dụng phụ".
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo mọi người cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo trên mạng về sản phẩm giảm cân. Việc lạm dụng những sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định dẫn đến tình trạng tiểu tiện/đại tiện quá mức. Như vậy có thể khiến cơ thể suy nhược, tụt đường huyết, kiệt sức.
Chưa kể hiện nay cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều sản phẩm "núp bóng" sản phẩm giảm cân được thổi phồng công dụng, thậm chí có chứa cả chất cấm. Đã có những trường hợp phải cắt bỏ toàn bộ thực quản, dạ dày, thậm chí là tử vong vì lạm dụng thuốc giảm cân.
Để giảm cân lành mạnh, thay vì việc sử dụng các loại thuốc giảm cân nhiều rủi ro, mọi người có thể thực hiện phương pháp vừa an toàn, vừa hiệu quả như sau:
- Tránh các thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng, nhiều dầu mỡ như đồ chiên rán.
- Không nên tiêu thụ các thực phẩm có năng lượng rỗng ví dụ như bánh kẹo, nước ngọt có gas, bia…
- Cần tích cực ăn những món tác dụng gây no, không chứa năng lượng nhưng vẫn an toàn cho sức khỏe như rau xanh, trái cây.
- Đặc biệt, cần tăng cường tập luyện thể dục thể thao để tiêu thụ năng lượng, ít nhất 30 phút/ngày.
Và đặc biệt, nếu bạn muốn giảm cân khoa học, hãy tìm đến các chuyên gia về dinh dưỡng, thể hình để được tư vấn liệu trình giảm cân hiệu quả, tránh tác dụng phụ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn