Tăng cường hỗ trợ bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương

16:15 | 19/04/2022;
Những cam kết hợp tác nhằm tiếp tục tăng cường hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ với quy mô và phạm vi mở rộng hơn đã được lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) trao đổi.

Chiều ngày 19/4/2022, tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và Tổ chức Di cư Quốc tế đã có buổi gặp mặt và trao đổi về các hoạt động phối hợp giữa hai bên trong giai đoạn 2 của Dự án hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương.

Tăng cường hỗ trợ bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương  - Ảnh 1.

Tham dự buổi làm việc có bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Chính sách – Luật pháp, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng Ban Tuyên giáo, bà Trần Thị Anh Thu, Phó Ban Quốc tế. Về phía Tổ chức IOM có bà Nenette Motus, Giám đốc IOM khu vực Châu Á-TBD, bà Mihyung Park, Trưởng phái đoàn IOM Việt Nam; Ông Nguyễn Quốc Nam, Cán bộ cấp cao IOM Việt Nam; Bà Đặng Thúy Hạnh, Cán bộ chương trình IOM Việt Nam

Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nguyễn Thị Minh Hương đã điểm lại những thành công của Đại hội Phụ nữ Toàn quốc lần thứ 13. Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của các tầng lớp phụ nữ trong cả nước; bao gồm mạng lưới 4 cấp từ trung ương tới cơ sở với khoảng 19 triệu hội viên, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn quan tâm đến các hoạt động về di cư và phòng chống mua bán người.

Để hỗ trợ phụ nữ di cư, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai dự án "Tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hoà nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ" do Cơ quan Phát triển quốc tế của Hàn quốc (KOICA) tài trợ và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) hỗ trợ kỹ thuật với mục tiêu nâng cao năng lực cán bộ nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư trở về và các thành viên gia đình họ được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ để tái hòa nhập bền vững.

Cùng với đó, Hội LHPN Việt Nam cũng triển khai dự án Tăng cường di cư an toàn cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Safe & Fair) do UN Women tài trợ và thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ di cư.

Với hoạt động phòng chống mua bán người, Hội LHPN Việt Nam tập trung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật cho phụ nữ và trẻ em về phòng, chống mua bán người; xây dựng mô hình truyền thông cộng đồng phòng chống mua bán người. Để bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, mô hình Nhà bình yên là địa chỉ của Hội LHPN Việt Nam để tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. 

Phó Chủ tịch Minh Hương cũng giới thiệu về Văn phòng OSSO trong khuôn khổ dự án hợp tác với KOICA và IOM hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho phụ nữ di cư và nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng...

Tăng cường hỗ trợ bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương  - Ảnh 2.

Đại diện hai bên tham gia buổi làm việc

Ghi nhận những nỗ lực của Hội LHPN Việt Nam trong các hoạt động phòng chống mua bán người và hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, bà Nenette Motus, Giám đốc IOM khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ: IOM đã tài trợ cho Hội nhiều dự án/hoạt động và tổ chức các đoàn ra liên quan đến phòng chống buôn bán người. Hội LHPN Việt Nam cũng là tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương. Trong đó phải kể đến các văn phòng hỗ trợ Một điểm đến (Văn phòng OSSO) tại 5 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ, Hậu Giang. 

Bà Nenette Motus cũng vui mừng thông báo mô hình văn phòng OSSO là mô hình được Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá là mô hình thành công và hiệu quả nhất. Đây cũng là một trong những mô hình thành công nhất trong mạng lưới di cư và là mô hình được chọn để các nước khác học tập. Sự thành công của mô hình OSSO là một minh chứng cụ thể cho sự hợp tác giữa IOM và Hội LHPN Việt Nam với sự tài trợ của KOICA và sự hợp tác sẽ còn được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

Tại buổi gặp mặt, đại diện của Hội LHPN Việt Nam và tổ chức IOM cũng trao đổi các nội dung hợp tác trong giai đoạn 2 của Dự án hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương với cam kết, chương trình phối hợp được triển khai trên quy mô và phạm vi can thiệp rộng hơn, đối tượng thụ hưởng được mở rộng hơn, nhằm mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ di cư và gia đình họ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn