Chúng tôi đã có chuyến đi thực tế tại một số bản, làng biên giới thuộc huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La và gặp không ít các cặp vợ chồng trẻ kết hôn khi mới 15-17 tuổi.
Một trong số đó là Hạng Thị Chư, sinh năm 2006, tại bản Pu Hao, xã Mường Lạn. Trong khi các bạn đồng trang lứa vẫn còn đang cắp sách tới trường thì Chư hiện đã là mẹ của 2 con, bận rộn với việc duy trì cửa hàng tạp hóa, nguồn sống của gia đình. Chư lấy chồng từ năm 2020, khi đó cô đang là học sinh lớp 8. Kể chuyện về mình Chư bình thản coi đó nhưng là lẽ thường tình, con gái lớn thì phải lấy chồng.
Cô cho biết, cô và chồng yêu nhau từ khi còn đi học. Sau đó cả hai cưới nhau theo tập tục truyền thống của người Mông. Chư không hề biết rằng theo quy định của pháp luật, con gái đủ 18 tuổi và 20 tuổi đối với nam mới đủ tuổi kết hôn. Sau khi lấy chồng, Chư đẻ liền 2 con. Cô bị cuốn vào công việc chăm sóc con cái và duy trì kế sinh nhai, không còn thời gian nghĩ đến việc đi học lại hay làm bất cứ việc gì khác để phát triển bản thân.
Cũng ở bản Pu Hao, đầu năm nay, Sộng Song Mỷ đã bỏ dở việc học lớp 9 để lấy chồng. Mỷ và chồng - Vừ A Tong (17 tuổi), quen và yêu nhau từ hồi học trong trường. Sau một thời gian tìm hiểu, yêu thương, cả hai đã về chung một nhà bất chấp lời khuyên can của bố mẹ.
Cả hai không dám đi đăng ký kết hôn vì không đủ tuổi mà chỉ dọn về ở với nhau. Trong khi người thân của Mỷ rất lo lắng cho tương lại của cô nhưng không thể làm gì hơn, cũng không hỗ trợ được về kinh tế bởi gia đình hai bên nội, ngoại đều rất khó khăn.
Trong khi Mỷ vẫn còn vô lo, vô nghĩ cho tương lai thì chị Sồng Thị Dua Lý, 21 tuổi cũng ở bản Pu Hao tỏ ra vô cùng hối tiếc vì đã nghỉ học để lấy chồng. Chị Lý học hết lớp 8 thì bỏ học để lấy chồng và đẻ liền 3 người con, trong đó, con lớn 5 tuổi, con thứ hai 4 tuổi và con út mới được 2 tuổi.
Lấy chồng sớm lại sinh nhiều con, trong vòng 5 năm khiến sức khỏe của chị sụt giảm nhiều. "Từ lúc lấy chồng, đẻ con, tôi chỉ ở nhà chăm sóc chúng nó. Cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, sức khỏe của tôi cũng yếu hơn" - chị Lý vừa cặm cụi thêu quần áo cho mình vừa trò chuyện với chúng tôi.
Chị buồn rầu cho biết: "Chỉ có một mình chồng tôi đi làm nương. Muốn đủ ăn phải thu hoạch được 30 bao thóc nhưng năm nay nhà tôi chỉ thu được 18 bao. Nuôi con gà, con vịt cũng không thành vì bị dịch. Năm nào gia đình tôi cũng thiếu ăn 1-2 tháng".
Thấm thía nỗi khổ chồng con nheo nhóc, chị Lý hối hận bảo rằng: "Lấy chồng, đẻ con sớm khổ quá. Nếu được quay lại thời gian thì tôi sẽ tiếp tục đi học chứ không lấy chồng sớm như bây giờ".
Cùng chung suy nghĩ, chị Mùa Thị Dơ, bản Phá Thóng, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp cũng bảo rằng nếu có kiếp sau sẽ cố gắng học hành để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chị Dơ lấy chồng từ khi 17 tuổi và đẻ liền 4 con. Chị cũng chưa được đến trường lần nào.
Tự ti về bản thân, chị không dám đi đâu xa khỏi ranh giới của bản làng mình. Mãi tới khi Đồn Biên phòng Nậm Lạnh mở lớp học xóa mù chữ, chị mới đăng ký đi học để "biết chữ, biết tính toán cộng trừ nhân chia, đi mua thuốc cho con uống còn biết đọc hướng dẫn sử dụng" như cách nói của chị.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng tảo hôn, ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết, một số nơi quan niệm, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức của người dân, trực tiếp ảnh hưởng và chi phối đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ cho rằng, cho con kết hôn sớm để gia đình có thêm người lao động hoặc kết hôn trong cùng họ tộc thì mới giữ được tài sản của gia đình, dòng họ. Trong khi đó, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số nơi hạn chế.
Thực tế cho thấy, vấn nạn tảo hôn tạo ra những rào cản rất lớn đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em gái. Hầu hết các trường hợp tảo hôn đều dẫn tới việc kết thúc con đường học hành rất sớm, đa số dừng lại ở lớp 9. Rất ít trường hợp vẫn tiếp tục được đến trường sau khi lấy chồng. Điều đó có nghĩa là học vấn của phụ nữ tảo hôn rất thấp và không có cơ hội để phát triển sau này.
Bên cạnh đó, tảo hôn cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của những người phụ nữ làm vợ, làm mẹ sớm. Một vấn đề khác đã được thực tế chứng minh, tảo hôn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng đói nghèo, kìm hãm sự phát triển của phụ nữ và xã hội nói chung.
Để giải quyết tình trạng tảo hôn, từ năm 2015, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 30/9/2015 về việc thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn (2015 - 2020)". Kế hoạch đặt mục tiêu giảm 2-3% số cặp tảo hôn/năm.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, số cặp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn giảm rất chậm và chưa đạt so với kế hoạch đề ra của cả giai đoạn. Theo số liệu thống kê của tỉnh Sơn La, tỷ lệ tảo hôn đã giảm từ 21,2% năm 2015 xuống còn 13% năm 2021, bình quân mỗi năm giảm được khoảng 1,5%. Kết quả này chưa đạt kế hoạch đề ra.
Để tiếp tục giảm thiểu tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn, ông Thào Xuân Nếnh cho biết, vẫn phải tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác động tiêu cực của tảo hôn, hậu quả lâu dài do nó gây ra.
Ở một khía cạnh khác cần nghiêm chỉnh chấp hành mức xử phạt đối với tảo hôn. Phát huy vai trò của người có uy tín, trưởng tộc, các văn bản hương ước, quy ước. Đồng thời chú trọng tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp, nghiên cứu, ứng dụng, triển khai nhân rộng các mô hình, bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước phù hợp nhằm thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn