Những con số day dứt
Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020-2021 chỉ ra rằng: Hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, bị xâm hại thể chất (47%), xâm hại tình dục (20%) và bị bỏ bê (29%).
Trong một nghiên cứu khác, 21,4% trẻ em gái vị thành niên và 7,9% trẻ em trai vị thành niên cho biết bản thân đã từng có ý định tự tử, một nghiên cứu khác nữa cho hay 5,8% trẻ vị thành niên cho biết đã có ý định tự tử.
Còn theo Khảo sát Quốc Gia về Bạo Lực đối với Phụ Nữ ở Việt Nam của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) năm 2019, 62.9% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng chịu một hoặc nhiều hơn các hình thức bạo lực thân thể, tình dục, tình cảm và kinh tế cũng như hành vi kiểm soát của người chồng.
Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, tình trạng phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực thậm chí gia trầm trọng hơn. Chỉ tính riêng 6 tháng năm 2021 (từ tháng 1 đến tháng 7/2021), số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tăng tới 130% so với trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam. Số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi Nhà Bình yên, Nhà tạm lánh thuộc TƯ Hội LHPN Việt Nam tăng khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vì tác động của đại dịch Covid-19 do các tổ chức: Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) thực hiện năm 2020 đã cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực.
Bên cạnh đó, hình thức của bạo lực gia đình ở Việt Nam cũng hết sức đa dạng, các vụ việc khó phát hiện và nhận diện hơn. Một số vụ việc bạo lực gia đình khiến công luận phải bàng hoàng khi nạn nhân bị bạo hành dã man, tổn thương nặng về thể chất và tinh thần.
Cùng lên tiếng để cùng xóa bỏ bạo lực
Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90.4% người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: "Chỉ khi mọi người xích lại gần nhau và lên tiếng rằng bạo lực là không thể chấp nhận được, chúng ta mới có thể khiến thứ vô hình trở nên hữu hình".
Với điệp mạnh mẽ là không khoan nhượng với tình trạng bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cùng với Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia, đã khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức Trái tim Xanh 2022 hướng tới chấm dứt bạo lực trong bối cảnh các nguy cơ đang trở nên trầm trọng hơn và các hình thức bạo lực đang ngày càng đa dạng.
Sáng kiến này được xây dựng dựa trên chiến dịch năm 2020 nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và thay đổi hành vi của cá nhân và xã hội nhằm giúp ngăn chặn bạo lực trước khi nó bắt đầu. Chiến dịch năm 2022 khẩn thiết kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng để tạo ra môi trường không có bạo lực - trong gia đình, trường học, trong cộng đồng và trên mạng.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm.
Qua 6 năm triển khai (2016-2021), đã có hơn 10 triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp của Tháng hành động, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Điều này chỉ có thể xảy ra khi có thật nhiều tiếng nói cùng lên tiếng và phản đối bạo lực dưới mọi hình thức cũng như các tác động của nó - kỷ luật bạo lực, sức khỏe tâm thần, an toàn trực tuyến, xâm hại tình dục và bạo lực trên cơ sở giới, cùng những hình thức khác.
Những tiếng nói thống nhất này phải đến từ các cá nhân, bậc cha mẹ, các thành viên trong gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên, giáo viên, hàng xóm, lãnh đạo cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách và những người có tầm ảnh hưởng - đủ mạnh để tạo động lực làm thay đổi cách các tồn đọng là rào cản trong việc Việt Nam đối mặt với vấn nạn bạo lực xảy ra ở mọi tầng lớp xã hội.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh: "Sáng kiến này kêu gọi người dân, các nhà làm luật và chính phủ lên tiếng mạnh mẽ hơn trong việc chống lại bạo lực. Chúng tôi mong muốn có thể biến sự phẫn nộ của công chúng đối với các hành vi bạo lực thành những nỗ lực mang tính xây dựng nhằm làm thay đổi cuộc sống của trẻ em và phụ nữ ".
Các đại biểu dự lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 cùng thể hiệu quyết tâm chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: Thảo Hoàng
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women cho hay: "Mỗi người chúng ta đều có vai trò lên tiếng. Hãy biến những cảm hứng lan truyền của lễ phát động thành hành động cụ thể nhằm chấm dứt tất cả các hình thức bạo lực trẻ em và phụ nữ. Hãy tôn trọng tất cả phụ nữ và trẻ em, lắng nghe ý kiến của họ, hãy lên tiếng và tìm kiếm hoặc cung cấp sự hỗ trợ khi bạn chứng kiến bạo lực trẻ em và phụ nữ, và cùng lan tỏa thông điệp của chiến dịch đến nhiều người hơn."
Cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bị bạo lực
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: "Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt quan tâm đến những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với con người. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang diễn ra và chúng ta chỉ có thể giải quyết được khi có sự chung sức, đồng lòng của tất cả các thành viên trong xã hội, các tổ chức và các cơ quan có trách nhiệm. Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các cơ quan Liên hợp quốc và Chính phủ Úc trong lĩnh vực này. Chỉ khi cùng hợp lực, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy các giải pháp và hành động cụ thể hướng tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em".
Bà Elisa Fernandez, Trưởng Đại diện UN Women đưa ra những khuyến nghị cụ thể để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và bạo lực giới bao gồm thúc đẩy những thay đổi chuẩn mực xã hội thông qua phát triển văn hóa tôn trọng và bình đẳng giữa mọi giới trong mọi bối cảnh: tại nhà, tại trường học, nơi làm việc, tại các địa điểm công cộng bao gồm cả không gian mạng.
Cùng với chiến dịch Trái tim Xanh, rất nhiều hoạt động thiết thực khác đã và đang được triển khai để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái từ việc hoàn thiện thể chế pháp luật đến triển khai các mô hình can thiệp, cung cấp gói dịch vụ cho các đối tượng bị bạo lực....
Trong đó, Chương trình gói dịch vụ thiết yếu (DVTY) từ năm 2017-2022 đã tổ chức 30 khóa tập huấn với gần 6.500 lượt cán bộ quản lý nhà nước, người cung cấp dịch vụ thuộc các lĩnh vực khác nhau được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực theo nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm.
Gần 60.000 tài liệu, bộ công cụ, tờ rơi hướng dẫn các nội dung liên quan tới Gói DVYT được chuẩn hóa, phát triển và phát hành trên toàn quốc. Đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm các đơn vị cung cấp dịch vụ khác nhau được thành lập tại các huyện của tỉnh Bến Tre, trở thành mô hình tiêu biểu trên toàn quốc.
Cùng với đó, UNFPA cũng hỗ trợ Việt Nam triển khai Trung tâm Dịch vụ Một cửa thường được gọi là 'Ngôi nhà Ánh Dương' cung cấp các dịch vụ thiết yếu tích hợp cho phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.
Các dịch vụ đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ phúc lợi xã hội, nhà tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp, cảnh sát bảo vệ, dịch vụ pháp lý và tư pháp, và chuyển gửi đều được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương.
Mô hình này là một trong những kết quả hữu hình của UNFPA trong nỗ lực tiến tới "không có bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại". Tất cả các dịch vụ trên được triển khai để đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực và được đối xử tôn trọng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn