Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ Việt Nam, chiếm khoảng 12% tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau ung thư vú.
Chi phí điều trị ung thư cổ tử cung rất tốn kém nhưng bệnh hoàn toàn có thể dự phòng hoặc được loại trừ khi sử dụng vắc-xin HPV, thực hiện sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện, điều trị sớm các dấu hiệu tiền ung thư.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát ung thư cổ tử cung của phụ nữ còn thấp. Một trong những nguyên nhân là do vắc-xin HPV có chi phí khá cao so với thu nhập chung, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng; khám sàng lọc ung thư cổ tử cung chưa được BHYT chi trả.
Việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ tới các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh ung thư cổ tử cung là cần thiết. Đặc biệt, Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 24/6/2024 có nội dung về xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế như sau: Luật cần quy định cho người dân tham gia Bảo hiểm y tế được khám kiểm tra sức khỏe nhằm phát hiện bệnh từ sớm, từ xa với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Đây là một trong những định hướng quan trọng để các cơ quan Chính phủ, ban, ngành, đoàn thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận động cho những chính sách về phát hiện và phòng ngừa bệnh tật, trong đó có chính sách về sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Về việc nghiên cứu, đề xuất chính sách tăng cường khả năng tiếp cận đến các dịch vụ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh: Hội LHPN Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác vận động đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Bộ Y tế, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân đân tỉnh, Ban Dân vận tỉnh Bắc Ninh và một số cơ quan Trung ương và tỉnh Bắc Ninh cùng thảo luận, chia sẻ thêm những bằng chứng thiết thực từ thực tiễn thực thi và thụ hưởng chính sách; đề xuất chính sách bảo hiểm y tế chi trả cho sàng lọc ung thư cổ tử cung. Trong đó tập trung vào các nội dung: Sự cần thiết của khám sàng lọc ung thư cổ tử cung và tác động khi BHYT chi trả khám sàng lọc ung thư cổ tử cung đối với địa phương và phụ nữ thụ hưởng. Gợi ý chính sách khám sàng lọc ung thư cổ tử cung từ góc độ địa phương.
Qua đó, các ý kiến cũng làm dày thêm những minh chứng về sự cần thiết đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả và là đầu vào có giá trị quan trọng cho báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Việt Nam tham gia cam kết quốc tế thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững và Tuyên bố Bắc Kinh (1995) về tăng cường quyền năng cho phụ nữ và Chiến lược toàn cầu nhằm loại trừ ung thư cổ tử cung do Tổ chức Y tế thế giới công bố năm 2020, trong đó đưa ra mục tiêu 90-70-90 mà các quốc gia cần đạt được đến năm 2030 để có thể loại trừ được ung thư cổ tử cung (90% trẻ em gái được tiêm chủng vắc-xin HPV đầy đủ trước tuổi 15; 70% phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc có độ chính xác cao ở độ tuổi 35 và 45; 90% phụ nữ được xác định có tổn thương tiền ung thư và ung thư xâm lấn được chăm sóc và điều trị).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn