Tăng nguy cơ ung thư vú khi tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo ban đêm

16:00 | 03/03/2022;
Trong xã hội công nghiệp hóa hiện đại, ánh sáng nhân tạo gần như có mặt khắp nơi. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc rộng rãi với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể là một yếu tố nguy cơ mới đối với ung thư vú ở nữ giới.

Ánh sáng xanh phát ra từ hầu hết các đèn LED trắng, máy tính bảng, điện thoại có liên quan đến các bệnh như rối loạn giấc ngủ, béo phì và tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác nhau, đặc biệt là giữa những người thường xuyên làm việc vào ban đêm. Và các nhà nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc nhiều với ánh sáng của đèn đường vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú khi tiếp xúc nhiều với ánh sáng đèn đường vào ban đêm   - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ung thư vú là một căn bệnh phổ biến ở phụ nữ nhất hiện nay. Căn bệnh này xuất hiện cao nhất ở phụ nữ lớn tuổi, những phụ nữ bị bệnh béo phì hoặc có thói quen hút thuốc.

Các nhà khoa học của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ đã tiến hành đánh giá mối liên quan giữa nguy cơ mắc ung thư vú và mức độ ô nhiễm ánh sáng ở nơi sinh sống, dựa trên ảnh chụp từ vệ tinh của 200.000 phụ nữ đã ở tuổi mãn kinh dựa trên lượng ánh sáng ở môi trường sống xung quanh họ. Kết quả cho thấy, ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng điện, ánh sáng đèn đường vào ban đêm có thể gây rối loạn nhịp sinh học của người phụ nữ. Ánh sáng này cũng ngăn chặn cơ thể người phụ nữ sản xuất melatonin- một hormone quan trọng điều khiển quá trình cơ thể thư giãn trong lúc ngủ, phục hồi lại các cơ quan nội tạng và giúp ngăn chặn sự phát triển của một số loại tế bào ung thư.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, việc thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo cường độ cao vào ban đêm làm tăng 10% nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ. Do đó, tỉ lệ phụ nữ sống ở thị trấn hoặc các thành phố có khả năng bị ung thư vú cao hơn các chị em sống ở vùng quê.

Mặc dù ánh sáng ban đêm có liên quan đến ung thư vú, nhưng có nhiều yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ này: bao gồm tiếp xúc với phóng xạ, béo phì, hút thuốc, uống rượu, môi trường, chỉ số BMI của cơ thể, bắt đầu thời kỳ kinh nguyệt quá sớm và chưa bao giờ mang thai...

Bất kỳ căn bệnh ung thư nào cũng để lại nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh ung thư vú có thể ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Mặc dù ánh sáng thực sự có khả năng làm tăng thêm nguy cơ mắc ung thư vú, tuy nhiên, không nên quá lo lắng bởi với nền y học hiện đại, bệnh ung thư vú có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. 

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú: khối u không đau ở ngực, thường xuyên bị ngứa và rát quanh núm vú, núm vú bị rỉ máu, tiết dịch khác thường hoặc thụt vào, co lại, làn da trên vú bị sần da cam, dày lên hoặc bị lún xuống, có nếp gấp, có hạch ở hố nách… Phụ nữ từ 20 tuổi trở lên cần thường xuyên theo dõi, quan sát sự thay đổi của vú, hàng tháng nên có thói quen thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để được tầm soát bệnh.

Các biện pháp giúp phòng tránh bệnh: 

- Không nên sử dụng thức uống có chứa cồn thường xuyên. 

- Xây dựng và duy trì thói quen luyện tập thể dục, ít nhất 30 phút trong ngày. Một số bài tập nhẹ như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội... 

- Chị em nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, giữ trọng lượng cơ thể ở mức cho phép, không nên quá gầy hoặc quá thừa cân. 

- Đối với độ tuổi sau mãn kinh, không nên sử dụng nhiều liệu pháp nội tiết tố.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn