Trong 3 ngày 28, 29 và 30/10, sự kiện ủng hộ sách cũ và sách mới cho các em nhỏ ở 2 xã vùng dân tộc miền núi còn khó khăn là xã Ma Thì Hồ và xã Pa Thơm của tỉnh Điện Biên đã được phát động tại Phố Sách Hà Nội. Đây là những địa phương các em nhỏ dân tộc còn chưa có nhiều sách để đọc và học tiếng Việt.
Các đơn vị có gian hàng tham gia Phố Sách tháng 10 đóng góp một phần lợi nhuận từ việc bán hàng vào Quỹ Khuyến đọc, việc đóng góp hoàn toàn tự nguyện. NXB Phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm công khai kết quả đóng góp và chọn mua sách tặng cho các em nhỏ ở 2 xã Ma Thì Hồ và xã Pa Thơm. Thùng quyên góp sách cũng được đặt tại gian hàng NXB Phụ nữ Việt Nam và sân khấu chính, Phố Sách Hà Nội để những người quan tâm đến việc trao tặng sách, trao tặng tri thức cho các em nhỏ.
Đây là một trong những hoạt động tiếp nối của nhiều chương trình, dự án đưa sách đến với học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa như "1001 thư viện bản xa", "Sách hóa nông thôn", "Tủ sách vùng cao", "Tủ sách yêu thương", "Sách cho trẻ em vùng cao"…
Vào dịp đầu năm 2022, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Hội Nhà văn Việt Nam đã khởi xướng dự án "Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa". Theo dự án này, mỗi năm khoảng 50.000 đến 100.000 cuốn sách thiếu nhi hay nhất, tiêu biểu nhất trong kho tàng văn học Việt Nam sẽ được các nhà văn Việt Nam mang tặng các em thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Những cuốn sách đều là sách mới, một phần nhỏ tặng thư viện nhà trường, còn phần lớn sẽ dành để tặng trực tiếp các em thiếu nhi. Thay vì chỉ được đọc tại thư viện - vốn không thuận tiện với trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa, sau giờ học ở trường thường phải phụ giúp bố mẹ việc nhà - các em được mang sách về nhà tận dụng thời gian rảnh rỗi đọc sách, trao đổi sách với nhau và để các thành viên trong gia đình cùng đọc.
Từ những tủ sách, thư viện hay các hoạt động quyên tặng sách cho các em thiếu nhi vùng khó khăn, hàng chục nghìn trẻ em được tiếp cận nguồn tri thức quý giá từ sách, là cánh cửa để mở ra những chân trời kiến thức, giúp các em thiếu nhi có thêm hiểu biết, nhận thức, "giảm nghèo" thông tin, từ đó vươn lên, vượt qua bóng tối của sự đói nghèo, lạc hậu…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn