Tạo đột phá cho đặc sản địa phương

09:22 | 05/12/2023;
“Khoa học công nghệ đã mang lại những lợi thế về giá trị gia tăng một cách đột phá cho sản phẩm của khu vực, tiếp cận được với thị trường ở trong nước, phấn đấu vào hệ thống phân phối hiện đại", ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), cho biết.

Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, chị Vương Thị Thương chứng kiến cây hồng vành khuyên là cây chủ lực, đặc sản nổi tiếng của địa phương nhưng người trồng có thu nhập chưa xứng tầm.

Chị Thương cho biết, giống hồng vành khuyên ngon nhưng nhiều nước, khó bảo quản. Khi vào mùa thu hoạch quả chín rộ nếu không kịp tiêu thụ người dân mất đi nguồn thu nhập đáng kể. Khi được mùa lại mất giá, có khi chỉ bán vài nghìn đồng mỗi kg, tỷ lệ hỏng đổ bỏ quá nhiều, nên người trồng khó khăn bộn bề. Chị quyết tâm tìm hiểu và học kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến của Nhật Bản để nâng tầm giá trị sản vật quê mình, tạo thêm sinh kế và thu nhập cho phụ nữ Tày, Nùng tại địa phương.

Để mở rộng sản xuất, chị thành lập Hợp tác xã nông sản Toàn Thương với 7 thành viên, phát triển vùng trồng 50 ha theo hướng hữu cơ, mang theo khát vọng nâng giá trị quả hồng bằng sản phẩm hồng treo sấy gió. Quả hồng sau khi thu hoạch được gọt vỏ, treo giàn trong nhà kính khoảng 15 - 20 ngày. Trong quá trình này, đến ngày thứ 5 - 7, hồng được massage để tăng vị dẻo tạo mật ngọt tự nhiên, không bị chát.

Để đảm bảo chất lượng, chị Vương Thị Thương cho biết: Hợp tác xã đã tập trung tìm hiểu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Mọi công đoạn đều tuân thủ theo quy trình sản xuất sạch, chuẩn VietGAP theo tiêu chí an toàn thực phẩm từ quy trình trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm. Từ gọt vỏ, máy hút chân không, lên giàn, massage, hạ giàn, đóng gói... đều được thiết kế theo quy trình khép kín. 

Thành quả thu lại cũng thật ngọt ngào. Nếu như giá hồng tươi bán trên thị trường chỉ có khoảng 15.000 đồng/kg, thì sau khi làm hồng treo gió, sản phẩm đã bán được với giá 300.000 đồng/kg. Năm 2022, Hợp tác xã Toàn Thương đã cung cấp ra thị trường trên 500 kg hồng vành khuyên treo gió, doanh thu gần 1,5 tỷ đồng. Để quảng bá sản vật địa phương cho khách du lịch, chị Thương đã nâng tầm hàng Việt, đưa từng quả hồng vào bao bì nhỏ chứa thông tin 12 di tích lịch sử nổi tiếng tương ứng với 12 địa phương của Lạng Sơn.

Tạo đột phá cho đặc sản địa phương- Ảnh 1.

Chị Vương Thị Thương và sản phẩm hồng vành khuyên treo gió

Trên chặng đường xây dựng, phát triển sản phẩm của mình, chị Vương Thị Thương cho biết, chị đã nhận được sự hỗ trợ của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn về máy móc, kết hợp với nguồn vốn vay ưu đãi, chị đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 1.000 m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh... Hiện sản phẩm đã được đăng ký bản quyền và được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu, phục vụ việc mở rộng sản xuất sau này. Sản phẩm hồng vành khuyên treo gió được gắn mã định danh truy xuất nguồn gốc tới từng cây hồng.

Đến nay, chị Vương Thị Thương đã tập hợp được khoảng 10 hộ dân trong huyện cùng 2 hợp tác xã mở rộng thêm 20 ha trồng theo hướng hữu cơ. Hợp tác xã hỗ trợ nông dân về cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, chị đã tạo sinh kế cho hơn 100 lao động gián tiếp và hơn 30 phụ nữ Tày Nùng tham gia sản xuất trực tiếp.

Không chỉ chinh phục thị trường trong nước, nữ giám đốc hợp tác xã cho biết, chị đang có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc và Thái Lan trong năm 2024.

Đưa nông sản Việt vào kênh phân phối hiện đại

Cũng như chị Vương Thị Thương, tại các địa phương, ngày càng có nhiều nữ doanh nhân năng động, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để nâng tầm giá trị của đặc sản địa phương, đưa nông sản trở thành tinh hoa hàng Việt.

Tạo đột phá cho đặc sản địa phương- Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu vùng miền đã có mặt tại các hệ thống phân phối hiện đại. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) đánh giá về vai trò của khoa học công nghệ trong việc tạo giá trị đột phá cho sản phẩm địa phương: Cách mạng khoa học công nghệ đã giúp cho chính các mặt hàng đặc sản, đặc trưng được sản xuất theo một quy trình, đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo quản, chế biến. Khoa học công nghệ đã mang lại tất cả những lợi thế về giá trị gia tăng một cách đột phá cho sản phẩm của địa phương tộc để tiếp cận được với thị trường ở trong nước, phấn đấu vào hệ thống phân phối hiện đại.

Cùng với đó, các Chương trình phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại kết quả tích cực cho sản phẩm đặc sản, đặc trưng thế mạnh của bà con, hỗ trợ được các sản phẩm này vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước. 

"Rất nhiều mặt hàng đặc trưng, đặc sản, lợi thế của từng vùng thâm nhập được vào hệ thống phân phối hợp lớn, đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng như mẫu mã, quy cách đóng gói, các yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội cũng như thị trường tiêu dùng tại khu vực hiện đại", ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn