Tận dụng lợi thế của thương mại điện tử trong tiêu thụ hàng hóa miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Thanh Lan
03/12/2023 - 11:36
Tận dụng lợi thế của thương mại điện tử trong tiêu thụ hàng hóa miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo

Với mạng lưới tại 63 tỉnh/thành phố, Bưu điện Việt Nam hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân

Làm thế nào để phát triển thêm các hình thức tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử? Giải pháp nào cần triển khai để hỗ trợ kết nối, tận dụng hiệu quả các lợi thế của các kênh thương mại điện tử trong tiêu thụ hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?

Thời gian qua, sàn thương mại điện tử Postmart.vn (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) đã có rất nhiều hoạt động tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương. Đặc biệt, Postmart.vn có riêng gian hàng cho các đặc sản địa phương nói chung và sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng phòng Kinh doanh Online - Trung tâm kinh doanh và phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, chia sẻ các thông tin liên quan đến vấn đề này.

- Postmart đã tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương nói chung và sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng trên sàn thương mại điện tử của Postmart như thế nào?

Tận dụng lợi thế của thương mại điện tử trong tiêu thụ hàng hóa miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo- Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Huyền, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

Bà Hoàng Thị Huyền: Bưu điện Việt Nam và sàn thương mại điện tử Postmart đang thực hiện nhiệm vụ chính trị theo Quyết định số1034 của Bộ Thông tin Truyền thông. Đó là đưa các hộ nông nghiệp mở tài khoản trên sàn thương mại điện tử và hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản.

Đầu tiên, Bưu điện Việt Nam với vai trò sở hữu sàn thương mại điện tử Postmart, lợi thế của Bưu điện Việt Nam là có 63 tỉnh thành nên có thể quản lý được nông sản của 63 tỉnh/thành trên toàn quốc. Hơn nữa, chúng tôi còn có sự chung tay của Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Sở, ban, ngành các cấp trong truyền thông quảng bá trên các phương tiện truyền thông của Bộ.

Năm 2021, chúng tôi đã tổ chức, tiêu thụ nông sản cho bà con đó là vải Bắc Giang, mận Sơn La và xoài Yên Châu đạt hiệu quả tốt và tiếp tục mở ra diện rộng, tới 63 tỉnh thành trên toàn quốc và sản lượng tiêu thụ lên tới hàng nghìn tấn.

Quý IV/2023, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm nông sản. Sắp tới, Bưu điện Việt Nam sẽ mở thêm một kênh ưu tiên các sản phẩm nông sản, đặc sản OCOP.

Tận dụng lợi thế của thương mại điện tử trong tiêu thụ hàng hóa miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo- Ảnh 2.

Bà con được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản.

- Về phía bà con nông dân và bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, họ được hỗ trợ cụ thể như thế nào, bà có thể đưa ra một vài đánh giá?

Bà Hoàng Thị Huyền: Điều có thể dễ nhận thấy nhất là bà con được tiêu thụ theo sản lượng. Sàn Postmart đưa ra hoạch định là nông sản sẽ chia làm hai, một là nông sản khô, hai là nông sản tươi. Nông sản khô thì bà con có thể bán trên các sàn thương mặt điện tử, kể cả Tiki hay Lazada rất dễ dàng. Nhưng với việc tiêu thụ nông sản tươi thì đó là một bài toán khác.

Bưu điện Việt Nam có lợi thế về vận chuyển với mạng lưới ở khắp 63 tỉnh, thành phố nên có thể giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản tươi và giữ được các quy chuẩn trong ngành về sản phẩm như chất lượng và sản lượng. Mạng lưới của Bưu điện Việt Nam phủ đến tận tuyến xã, có người của Bưu điện đến tận nơi để hướng dẫn bà con đóng gói những gói hàng theo đúng quy chuẩn bảo quản, rồi vận chuyển để khi đến tay người tiêu dùng sản phẩm được giữ được chất lượng tốt nhất. Đó là những lợi thế Bưu điện Việt Nam đã mang lại cho bà con nông dân.

Tận dụng lợi thế của thương mại điện tử trong tiêu thụ hàng hóa miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo- Ảnh 3.

Bưu điện Việt Nam đào tạo tập huấn cho bà con đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

- Theo bà, các doanh nghiệp và bà con cần khắc phục những hạn chế nào để gia tăng số lượng và chất lượng cho sản phẩm được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử nói chung và Postmart nói riêng?

Bà Hoàng Thị Huyền: Gần 10 năm trong ngành thương mại điện tử, tôi thấy:

Thứ nhất, với nhà bán hàng - chính là trực tiếp bà con nông dân, đầu tiên cần quan tâm chất lượng sản phẩm, liên quan đến vấn đề nuôi trồng, đến thu hoạch và bảo quản. Với vấn đề này, chúng ta phải nâng cao được nhận thức cho nhà bán hàng cũng như bà con nông dân nói chung để làm sao giúp bà con hiểu được rằng khi các sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử phải là sản phẩm hoàn thiện. Hoàn thiện không những về sản phẩm mà còn hoàn thiện về chất lượng sản phẩm, trong quá trình làm, trồng trọt, thu hoạch phải có chứng nhận, chứng chỉ, giấy tờ… Khi sản phẩm đưa được lên sàn thì việc tiếp cận của người tiêu dùng sẽ rất nhanh, độ lan toả của sản phẩm gần như là phủ khắp, không những ở Việt Nam mà còn ở thế giới. Vì vậy, Bưu điện Việt Nam cũng rất chú trọng đến việc đào tạo tập huấn cho bà con.

Còn về sàn thương mại điện tử - những chủ sở hữu sàn không chỉ là Postmart mà còn là Lazada, Tiki hay Shopee. Các bên chủ sở hữu sàn cũng phải đưa ra những quy định, quy chuẩn cho các nhà bán hàng khi đưa sản phẩm lên. Ngoài ra, mình cũng phải rà soát liên tục, rà soát xem công tác đưa sản phẩm lên đã chính xác chưa, đã chuẩn chỉnh chưa. Đó cũng là trách nhiệm của chủ sàn. Lúc đó, người tiêu dùng cuối cùng là khách hàng mới hưởng được trọn vẹn về sự tin tưởng của sản phẩm và chất lượng sản phẩm. 

Để sản phẩm đạt chất lượng, đặc biệt là với mặt hàng nông sản, thực phẩm trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, chúng ta phải cùng chung tay, kết hợp chặt chẽ giữa nhà bán hàng với những người đang vận hành sàn và quan trọng nhất là nâng cao kiến thức, quy trình và hiểu biết của nhà bán hàng nói chung và các hộ sản xuất nông nghiệp nói riêng để nhận thức rõ được là bán hàng trên các nền tảng online như thế nào.

- Xin cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm