pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản miền núi, vùng sâu, vùng xa
Điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền của tỉnh Điện Biên thu hút đông đảo người dân, du khách tới tham quan, mua sắm. Ảnh: baodienbienphu.com.vn
Điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền của tỉnh Điện Biên vừa đi vào hoạt động từ 18/11/2023 đã trở thành kênh kết nối, tiêu thụ hiệu quả cho các sản phẩm nông sản địa phương. Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, chỉ sau hơn 10 ngày khai trương, điểm trưng bày đã tiêu thụ nhiều đặc sản như: 400kg bí xanh Tìa Dình, 350kg khoai sọ Phì Nhừ và khoai sọ Tủa Chùa, 600kg miến dong của các cơ sở và hợp tác xã, 500kg gạo Điện Biên, 80kg mắc ca, 60kg chè và cà phê. Đây là một trong những hoạt động được Sở Công thương tỉnh triển khai để xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu nông sản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm nông sản địa phương, Sở Công thương Điện Biên cũng đã có nhiều hoạt động để kích cầu tiêu thụ sản phẩm như: Phối hợp tổ chức Hội chợ Công Thương vùng Đông Bắc - Phú Thọ 2023 với sự góp mặt của nhiều nông sản là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của tỉnh Điện Biên.
Qua đó, những sản phẩm đặc trưng vùng miền của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh như: Gạo nếp nương, táo mèo khô sấy lạnh, giấm táo mèo, thảo quả sấy khô, đông trùng hạ thảo; thịt trâu khô, thịt lợn khô, chè, cà phê... được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Tỉnh Điện Biên cũng đã nỗ lực thúc đẩy xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu nông sản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, Sở Công thương tỉnh Điện Biên và Sở Công thương 6 tỉnh phía bắc Lào (gồm: Oudomxay, Phongsaly, Luang Prabang, Luang Namtha, Bokeo, Xayabury) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện hợp tác giai đoạn 2021-2023 và bàn phương hướng hợp tác giai đoạn 2023-2025. Sự kiện nhằm kết nối giao thương, tạo cơ hội để mở rộng thị trường kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; tìm ra giải pháp hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các hợp tác xã, chủ thể sản phẩm có dịp quảng bá sản phẩm nông sản địa phương cho doanh nghiệp, hợp tác xã; đặc biệt là tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhờ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi liên kết với các tỉnh trong và ngoài khu vực, 9 tháng đầu năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả khả quan và nổi bật. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10.332,32 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (đạt kết quả khá cao so với tốc độ tăng trưởng trong khu vực và cả nước, xếp thứ 3/14 tỉnh/thành trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc; xếp thứ 26/63 tỉnh trên toàn quốc) - đại diện Sở Công Thương tỉnh Điện Biên cho biết.