Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 150/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược khẳng định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là không gian chính gắn với tài nguyên thiên nhiên, nền tảng văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng. Phát triển nông nghiệp trên quan điểm hiệu quả, bền vững về kinh tế -xã hội - môi trường; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại; phát triển và bảo vệ môi trường.
Triển khai thực hiện, tỉnh Hải Dương là một trong những địa phương kết hợp cùng Khoa Tài nguyên và Môi trường - Học Viện Nông nghiệp Việt Nam thí điểm Chương trình "Ứng dụng công nghệ vượt trội, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản".
Bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Hải Dương - đã có những chia sẻ về những đóng góp của chương trình trong việc xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
+ Xin chào bà Phạm Thị Đào. Xin bà giới thiệu tổng quan chung về tình hình nông nghiệp và sản xuất chăn nuôi của tỉnh Hải Dương?
Tỉnh Hải Dương có diện tích tự nhiên là 166.828 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 105.148ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 của tỉnh ước đạt 21.500 tỷ đồng.
Nông nghiệp hiện chiếm 9,7% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó cơ cấu nội ngành nông nghiệp: chăn nuôi – thủy sản chiếm 33%. Tỉnh có tổng đàn lợn 370.000 con; đàn gia cầm: 15,5 triệu con; trâu, bò: 22.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 143.000 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản: 12.000ha; sản lượng thủy sản nuôi trồng: 99.000 tấn.
+ Là một tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, xin bà chia sẻ về những cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để phát triển chăn nuôi tuần hoàn, bền vững?
Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và có sức cạnh tranh cao; tỉnh Hải Dương cũng có chương trình khuyến nông hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn và tạo ra các vùng nông sản hàng hóa an toàn nhằm xây dựng các sản phẩm OCOP cho tỉnh và đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu.
Ngày 13/8/2021, UBND tỉnh Hải Dương đã ký Quyết định số 2271/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Tại Đề án, lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nêu rõ nội dung và mức hỗ trợ cho các đối tượng là cơ sảo chăn nuôi dáp ứng đủ điều kiện đề ra. Cụ thể: Hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi để mua chế phẩm sinh học hóa chất cải tạo hệ thống nước thải trong chăn nuôi đáp ứng điều kiện sản xuất theo quy trình VietGAP an toàn dịch bệnh động vật.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có các hoạt động hỗ trợ theo Nghị định 98/2028/NĐ-CP về hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Ngoài ra, các hộ sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản còn được hưởng các chính sách hỗ trợ từ chương trình xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, mô hình khuyến nông…
+ Việc đồng hành của các nhà khoa học cùng chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp với bà con chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở Hải Dương có ý nghĩa như thế nào đối với việc phát triển lĩnh vực này tại địa phương, thưa bà?
Chúng tôi luôn mong có được giải pháp nào thực sự hữu hiệu để vẫn đảm bảo phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà giảm được ô nhiễm môi trường, hạn chế được dịch bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng thịt nông sản để đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi. Chương trình "Ứng dụng công nghệ vượt trội, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản" của các nhà khoa học thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã giúp chúng tôi giải được bài toán này thông qua sự hỗ trợ các giải pháp vượt trội, đồng thời tư vấn trực tiếp cho nông dân trong quá trình chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Chúng tôi đã hỗ trợ các nhà khoa học lựa chọn các hộ dân và cử cán bộ tham gia giám sát làm thí điểm các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo chu trình khép kín, trong đó sử dụng các bộ chế phẩm sinh học (JA) phù hợp theo hướng dẫn và tư vấn của các nhà khoa học.
Nhờ sự đồng hành của các nhà khoa học hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ cho bà con, các mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn sinh học đã ghi nhận được các kết quả thành công tại 3 mô hình ở huyện Cẩm Giàng: giúp tiết kiệm được thức ăn, chuồng trại sạch, hết mùi hôi, không phải sử dụng kháng sinh và hóa chất, giúp nâng cao năng suất và chất lượng thịt trứng, tăng hiệu quả kinh tế mà vẫn bảo vệ môi trường, xử lý triệt để chất thải và cả xác vật nuôi.
+ Bà đánh giá như thế nào về các giải pháp ứng dụng công nghệ vượt trội đối với sản xuất nông nghiệp tại địa phương?
Kết quả thành công tại 3 mô hình huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho thấy ứng dụng sản phẩm công nghệ trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản, với việc đưa chế phẩm sinh học vào chu trình chăn nuôi khép kín nhằm nâng cao hệ số tiêu hóa và tăng cường miễn dịch cho vật nuôi. Từ đó, giảm được lượng thức ăn tiêu thụ mà vật nuôi vẫn khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh. Đồng thời giảm được tới hơn 90% mùi hôi chuồng trại, giảm được lượng thức ăn sử dụng; thay thế được hoàn toàn cho hóa chất và chất kháng sinh thường dùng. Mặt khác, còn giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người chăn nuôi, nên dễ có sự đồng thuận của người dân quanh khu vực chăn nuôi.
Không những thế, chất lượng thịt, trứng, sữa cũng tăng lên, tiến tới đạt tiêu chuẩn an toàn và xuất khẩu do không còn tồn dư kháng sinh phòng bệnh. Đồng thời, chất thải chăn nuôi được tận dụng để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng. Vì thế, làm gia tăng chuỗi giá trị cho người chăn nuôi mà vẫn bảo vệ được môi trường.
Chương trình ứng dụng công nghệ này nếu được thực hiện đúng theo chu trình chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản khép kín sẽ là sự hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại các địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện Chương trình khuyến nông để nhận rộng các mô hình này trên toàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 để mang đến lợi ích cho bà con nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
+ Xin trân trọng cảm ơn bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn