Dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, Hội LHPN các huyện đã cụ thể hóa nội dung phong trào phòng chống rác thải dựa vào điều kiện thực tế tại các địa phương để triển khai thực hiện, mang lại kết quả cao.
Điển hình, Hội LHPN thành phố Thái Nguyên đã chỉ đạo các cấp Hội xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình CLB phòng, chống rác thải nhựa gắn với xây dựng gia đình 5 không 3 sạch. Hiện nay, có 34/34 cơ sở Hội tiếp tục triển khai thực hiện 36 mô hình hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; 132 Chi hội phụ nữ thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; 34 mô hình "Phụ nữ phát triển kinh tế bảo vệ môi trường"; 79 Chi hội phụ nữ thực hiện tiết kiệm từ việc thu gom rác thải tái chế với tổng số tiền tiết kiệm gây quỹ đến nay là trên 900 triệu đồng và gần 75 km đường hoa.
Hội LHPN huyện Phú Lương chỉ đạo 246/246 chi hội triển khai thực hiện nguyên tắc "3 có" trong phân loại và xử lý rác thải tại nguồn gắn với chống rác thải nhựa, thành lập 26 mô hình "Phòng chống rác thải nhựa" gắn với mô hình 3 có, mô hình nhà sạch - vườn đẹp, mô hình "đi chợ bằng làn". Xây dựng nhiều mô hình kinh tế thân thiện với môi trường, chống rác thải nhựa. Đặc biệt, Hội LHPN huyện phát động và triển khai mô hình "Đi chợ bằng làn" trong toàn huyện, trao 2.150 chiếc làn đi chợ cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Tặng 24 thùng rác 90L cho hộ gia đình tham gia mô hình "Thùng rác văn minh" để các hộ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Tặng 10 "Ngôi nhà xanh" cho 3 xã Phú Đô, Hợp Thành, thị trấn Đu nhằm biến rác thành tiền giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia và mang lại hiệu quả tích cực.
Hội LHPN huyện Đại Từ Đã chỉ đạo các cấp Hội duy trì 398 mô hình "Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch", 45 mô hình "chi hội điển hình 5 không, 3 sạch"; 286 mô hình "Chi hội phụ nữ nòng cốt tham gia bảo vệ môi trường" với 14.518 thành viên; 185 mô hình thu gom rác thải, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng với 8.308 thành viên; 20 mô hình "Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới"; 15 mô hình "Phân loại rác thải, thu gom phế liệu gây quỹ hội, góp phần chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường". Đặc biệt, hội đã xây dựng 672 hố xử lý rác thải tại hộ gia đình...
Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp tỉnh, huyện, còn nhiều các cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh đã có mô hình, cách làm hay, hoạt động sáng tạo trong thực hiện phong trào.
Hoạt động xây dựng mô hình được các cấp Hội quan tâm, chú trọng và bước đầu đã đạt nhiều kết quả tích cực; nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả được thành lập thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, được cấp ủy, chính quyền, các ngành ghi nhận, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các địa phương, đơn vị.
Các cấp Hội đã phối hợp tốt hơn với các đơn vị liên quan, khai thác các nguồn lực để tổ chức thực hiện phong trào và các hoạt động bảo vệ môi trường. Kết quả thực hiện phong trào của các cấp Hội và hội viên phụ nữ đã góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường của tỉnh, góp phần đảm bảo môi trường sống xanh, an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn.
Bà Trần Kim Dung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên cho biết: Để triển khai xây dựng mô hình và duy trì hoạt động hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ, đặc biệt là cấp cơ sở đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị; khảo sát nhu cầu của hội viên phụ nữ trước khi thành lập; hướng dẫn nội dung hoạt động; vận động khai thác nguồn lực để hỗ trợ cho hoạt động của các mô hình.
Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì có hiệu quả 1.948 đoạn đường hoa với trên 3.000 km đường hoa; 1.612 đoạn đường phụ nữ tự quản xanh sạch đẹp được gắn biển tại các thôn, xóm; 2.772 mô hình câu lạc bộ, bảo vệ môi trường, trong đó có hoạt động phòng, chống rác thải nhựa thu hút trên 150 nghìn hội viên phụ nữ tham gia.
Một số mô hình điển hình như: mô hình CLB "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch"; mô hình "3 có" trong phân loại rác thải tại nguồn và phong trào chống rác thải nhựa; mô hình "Chi hội phụ nữ tự quản thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn"; mô hình "Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng". Hay các mô hình "Ngôi nhà xanh", "Thu gom xử lý rác thải", Thu gom rác thải nhựa, bán phế liệu lấy tiền giúp phụ nữ, trẻ em nghèo", "Phụ nữ đi chợ bằng làn"; "Túi rác tiết kiệm", "Thùng rác văn minh", "Dòng sông không rác"; hoạt động "Nói không với đồ nhựa sử dụng 1 lần" trong các hội nghị, hoạt động khác…
Hoạt động của các mô hình đã góp phần hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa, góp phần hạn chế hơn tình trạng xả rác thải nhựa ra môi trường. Đồng thời, hoạt động của nhiều mô hình đã biến rác thành tiền, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ nhiều hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi; biến rác thải hữu cơ thành "phân hữu cơ" để bón rau, cây xanh, tái chế sản phẩm gạch sinh thái từ những chai nhựa để xây bồn hoa, ghế ngồi công cộng
Những hành động tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn, thiết thực trong bảo vệ môi trường sống trước nguy cơ biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn