Thái Nguyên: Hiệu quả từ các hoạt động của Dự án 8 đến đời sống phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số

Tạ Dung (Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên)
23/07/2023 - 10:30
Thái Nguyên: Hiệu quả từ các hoạt động của Dự án 8 đến đời sống phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số

Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên có 54.344 hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 26,77%

Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị Hội LHPN cấp huyện; 189 cơ sở Hội; hơn 2.200 chi hội và trên 203.000 hội viên theo địa bàn dân cư, trong đó có 54.344 hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 26,77%. 

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp Hội tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 14/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030...

Thái Nguyên: Lồng ghép nhiều hoạt động phong trào để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số  - Ảnh 1.

Tiết mục giao lưu văn nghệ của chị em phụ nữ người dân tộc trong chương trình phát động chiến dịch truyền thông

Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên phối hợp chỉ đạo theo ngành dọc thực hiện kế hoạch phối hợp giữa hai đơn vị giai đoạn 2022 - 2025, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao trình độ mọi mặt, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững được lồng ghép vào nhiều hoạt động phong trào tại địa phương. Hội đã chủ động khai thác các chương trình, nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của phụ nữ để chị em phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mới, hiệu quả cho hội viên phụ nữ dân tộc. Nhiều chị em hội viên phụ nữ dân tộc đã tích cực, gương mẫu trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động tại địa phương, đi đầu trong phong trào dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; vận động thành viên trong gia đình thực hiện tiêu chí “3 sạch” phân loại và thu gom rác thải tại nguồn; tham gia mô hình “Đoạn đường/tuyến phố nở hoa”, “Nhà sạch, vườn đẹp”; “Ngôi nhà 3 sạch nông thôn mới”,... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp Hội tổ chức được 9 Hội nghị tập huấn, thông tin tuyên truyền về công tác dân tộc, tôn giáo cho gần 900 cán bộ, hội viên tham gia.

Thái Nguyên: Lồng ghép nhiều hoạt động phong trào để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số  - Ảnh 2.

Nhiều lớp tập huấn đã đem lại cho hội viên thông tin hữu ích

Đặc biệt từ năm 2022, Hội LHPN tỉnh được giao chủ trì triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Đây là một trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 được triển khai tại 6 huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình. 

Bước đầu, việc triển khai thực hiện Dự án 8 đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu về nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh đã thành lập được 151/142 “Tổ truyền thông cộng đồng” (đạt 106,33%, vượt 6,33% so với chỉ tiêu giai đoạn I); thành lập mới 06 mô hình “Địa chỉ tin cậy” (đạt 22,22% chỉ tiêu giai đoạn I); 11 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” (đạt 30.56% chỉ tiêu giai đoạn I); tổ chức 81 lớp tập huấn nâng cao năng lực triển khai một số mô hình, hoạt động của dự án; tập huấn giám sát đánh giá về bình đẳng giới, chương trình phát triển năng lực lồng ghép giới và hướng dẫn tổ chức đối thoại chính sách ở cấp cơ sở... cho hơn 3.500 đại biểu tham gia; tổ chức 16 chương trình phát động chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến, khuôn giới mẫu trong gia đình và cộng đồng cho gần 3.000 hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc 6 huyện. 

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nhóm facebook, fanpage, website, Đài Phát thanh - Truyền hình để các cấp Hội cập nhật, chia sẻ thông tin đến đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động của Dự án 8 bước đầu tác động đến đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho từng địa phương được hưởng lợi và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, tổ chức Hội xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm:

- Hội tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, đề xuất có hiệu quả công tác lồng ghép giới trong xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật, chuơng trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, tập trung vào chính sách chăm lo, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Cùng với các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021- 2025” góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kỉnh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 -2030.

- Tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tích cực thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Phong trào thi đua dân vận khéo sống “tốt đời, đẹp đạo” và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi.

Thái Nguyên: Lồng ghép nhiều hoạt động phong trào để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số  - Ảnh 4.

Các hoạt động của Dự án 8 bước đầu tác động đến đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân tộc và kiến thức về giới, lồng ghép giới; tập huấn nâng cao năng lực trong công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, kỹ năng tuyên truyền, vận động, kiến thức về văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp mặt, biểu dương, khen thưởng người có uy tín, các điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu nhằm tôn vinh, ghi nhận những thành tích, đóng góp và lan tỏa tinh thần nỗ lực, ý chí phấn đấu vươn lên.

- Chủ động và thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; kịp thời phối hợp phát hiện, ngăn chặn và giải quyết những vụ việc và các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em đặc biệt ở vùng DTTS & MN.

Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số vượt qua mọi rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, từ đó nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để Hội thực hiện tốt hơn chức năng và nhiệm vụ của tổ chức mình, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm