Thay đổi nếp nghĩ, cách chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em vùng cao

11:42 | 01/08/2024;
Mô hình “Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, phát triển trẻ thơ” đang được Hội LHPN huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) triển khai đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khoa học; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các bà mẹ, gia đình, người dân và cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em.

Đầm Hà là một huyện ven biển của tỉnh Quảng Ninh có hơn 30% dân số là người dân tộc thiểu số. Dù du lịch và các ngành dịch vụ đang dần phát triển, nhưng nơi đây, bà con nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó với những khó khăn về kinh tế. Và không ai khác, phụ nữ và trẻ em vùng cao là một trong những nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương.

Ngay sau khi được phát động từ cấp tỉnh, Dự án 8 đã được Hội LHPN huyện tích cực triển khai với mong muốn đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn, với nhiều mô hình đang được các cơ sở hội duy trì khá hiệu quả, được đông đảo hội viên phụ nữ đón nhận, tham gia sôi nổi. Trong đó, mô hình "Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, phát triển trẻ thơ" được đánh giá là triển khai bà bản và có hiệu quả.

Mô hình được xây dựng và triển khai tại 2 xã Quảng An và Quảng Tân. Mô hình nhằm tạo điều kiện để các bà mẹ, người nuôi dưỡng trẻ từ 5 tuổi trở xuống tham gia sinh hoạt, giao lưu, chia sẻ, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khoa học, đảm bảo trẻ phát triển trí tuệ và thể lực tốt nhất; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các bà mẹ, gia đình, người dân và cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em.

Đa dạng hoạt động tuyên truyền

Chị Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng An - một trong hai xã đang triển khai thực hiện mô hình, cho biết: Ở vùng nông thôn, miền núi, chị em phụ nữ không có nhiều điều kiện tìm hiểu các kiến thức chăm sóc, nuôi dạy con. Mô hình "Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, phát triển trẻ thơ" đáp ứng nhu cầu này. Thực hiện mô hình này, Hội LHPN xã chủ yếu hướng hoạt động vào những gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi. 

Bằng những buổi gặp gỡ, tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình, chị em phụ nữ dễ dàng mở lòng hơn, chia sẻ về khó khăn, vướng mắc của bản thân để được tư vấn, hỗ trợ phù hợp. Thời gian đầu thực hiện còn nhiều chị em dè dặt, chưa thực sự mở lòng chia sẻ. Cán bộ hội phụ nữ đã tuyên truyền, vận động khéo, đến nhà gặp gỡ, chia sẻ, đã dần nhận được sự tin tưởng của hội viên, phụ nữ.

Thay đổi nếp nghĩ, cách chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em vùng cao- Ảnh 1.

Ban Chủ nhiệm mô hình “Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, phát triển trẻ thơ” xã Quảng An đến thăm, tuyên truyền tại gia đình hội viên. Ảnh: Hoàng Giang

Tham gia mô hình, các thành viên được tuyên truyền, phổ biến những chính sách, pháp luật; chia sẻ các kinh nghiệm, kỹ năng để chăm sóc, giáo dục trẻ đúng cách. Nội dung hoạt động được lựa chọn, tổ chức theo cách gần gũi nhất, như: Tư vấn các món ăn dinh dưỡng cho trẻ các lứa tuổi, hoặc quản lý quỹ thời gian để có thể cùng chơi và học tập với con; giải quyết một số tình huống ứng xử thường gặp giữa cha mẹ và con cái, giúp con phát triển về kỹ năng xã hội... Với sự kết nối của Hội LHPN, các thành viên còn phối hợp chặt chẽ hơn với các Trạm Y tế xã, giúp quản lý theo dõi sự phát triển của trẻ, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát triển toàn diện. Cụ thể như các hoạt động: tẩy giun, uống vitamin A định kỳ; cân, đo chiều cao đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng; thăm khám, tư vấn sức khoẻ định kỳ...

Chị Nguyễn Thị Đan Thùy (thôn Nà Thổng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà), thành viên tham gia mô hình cho biết: Nhiều chị em ở vùng cao có kiến thức chăm sóc con nhỏ rất hạn chế. Từ khi tham gia nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, phát triển trẻ thơ, chúng tôi cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ khi cần thiết. Đối với những chị em còn rụt rè, chưa cởi mở, chúng tôi cũng có những cách khéo léo để gặp gỡ, từng bước thuyết phục, hướng dẫn.

Thay đổi nếp nghĩ, cách chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em vùng cao- Ảnh 2.

Một buổi sinh hoạt của “Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, phát triển trẻ thơ” tại xã Quảng Tân

Tại xã Quảng Tân, với mục đích chăm sóc và phát triển trẻ dựa vào các mốc phát triển của trẻ từ 0-8 tuổi, mô hình "Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, phát triển trẻ thơ" cũng đã thu hút đông đảo các bậc phụ huynh tham gia. Hằng tháng các thành viên tổ chức 1 buổi sinh hoạt chung tại Nhà văn hóa xã, là dịp để tuyên truyền, cập nhật kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con. Các thành viên còn đến thăm nhà, hỗ trợ các ông bố, bà mẹ vận dụng tốt các kiến thức đã học tập.

Chị Đặng Thị Dung, Phó chủ nhiệm mô hình "Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, phát triển trẻ thơ" xã Quảng Tân, cho biết: Các tài liệu tuyên truyền được Hội LHPN xã cung cấp thường xuyên cho Ban Chủ nhiệm để tiến hành sinh hoạt, nâng cao kiến thức cho các chị em thành viên trong nhóm. Công tác tuyên truyền đa dạng, từ sinh hoạt gặp gỡ đến sử dụng mạng zalo chung...

Thay đổi nếp nghĩ, cách chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em vùng cao- Ảnh 3.

Thông qua các buổi sinh hoạt chung, hội viên phụ nữ được tuyên truyền, cập nhật kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con

Để các mô hình hoạt động hiệu quả, thiết thực, đại diện Hội LHPN huyện Đầm Hà chia sẻ thêm: Trong quá trình triển khai Dự án 8, Hội LHPN huyện đã quán triệt tới các cơ sở việc thành lập, triển khai các mô hình cần cụ thể, thiết thực, phù hợp với đối tượng của từng cơ sở. Những mô hình này đã góp phần thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Qua đó nhằm khơi dậy vai trò chủ động, tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ tại cơ sở, là nòng cốt để thực hiện tốt mục tiêu Dự án 8 hướng tới về nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn