Thế mạnh của nữ giới làm khoa học

18:05 | 22/04/2022;
Mối quan tâm của các nữ sinh về thách thức, kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong quá trình phấn đấu sự nghiệp, thế mạnh của nữ giới làm khoa học đã được các chuyên gia giải đáp tại Toạ đàm "Nữ nhà khoa học và kỹ sư tương lai".

Hỗ trợ các nữ kỹ sư ngay trên ghế nhà trường

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới hiện nay là do còn tồn tại định kiến về nữ giới. Những định kiến này xuất hiện và tác động trực tiếp tới nữ giới ngay từ nhóm tuổi đi học và kéo dài đến quãng tuổi lao động. Chính điều này đã vô tình gây nên những cản trở ảnh hướng đến sự phát triển sự nghiệp của phái nữ trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học.

Để giải quyết vấn đề này một cách triệt để, năng lực của nhóm nữ giới cần phải được xã hội công nhận. Tuy nhiên để làm được điều đó thì tuyên dương những người phụ nữ tiêu biểu, đạt được thành tựu nhất định trong khối ngành STEM thôi là chưa đủ, cần phải quan tâm nuôi dưỡng những thế hệ kế cận, đưa ra được những hành động thiết thực, cụ thể và chi tiết nhằm hỗ trợ nữ giới ngay từ giai đoạn còn đi học. 

Các nữ sinh viên đều là những người trẻ năng động, cầu tiến nhưng lại thiếu đi định hướng nghề nghiệp và thiếu kết nối với những thế hệ đi trước. Nhóm nữ giới này cần được nhận lời khuyên, được truyền cảm hứng, được dẫn dắt bởi những người phụ nữ có kinh nghiệm trong ngành STEM để có thể bước vào thị trường lao động một cách tự tin, bản lĩnh. Khi ấy, vấn đề mất cân bằng giới trong khối ngành Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học sẽ được dần tháo gỡ và mở ra bức tranh lạc quan hơn về nghề.

Chia sẻ kinh nghiệm cùng các nhà nữ khoa học và kỹ sư tương lại  - Ảnh 1.

Phiên thảo luận giữa 5 nữ chuyên gia và sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Đó là lý do Toạ đàm "Nữ nhà khoa học và kỹ sư tương lai" được tổ chức trong khuôn khổ Dự án Nữ Kỹ Sư Tương Lai – Định hướng nghề nghiệp & Tăng cường Kết nối. Chương trình nhằm mục đích góp phần kiến tạo thế hệ Nữ Nhà khoa học và Kỹ sư tài năng tại Việt Nam thông qua tư vấn định hướng nghề nghiệp và tạo cơ hội kết nối chuyên gia dành cho các sinh viên nữ theo học tại các trường khoa học và kỹ thuật tại Việt Nam.

Theo số liệu đến từ ILO tỷ lệ phụ nữ trong các ngành kỹ thuật, khoa học (STEM) chỉ chiếm 37% (ILO, 2020). Việt Nam được đánh giá là một trong những nước tiến bộ về bình đẳng giới, song vẫn không tránh khỏi tình trạng mất cân bằng giới trong khối ngành Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học (STEM) đang diễn ra theo quy mô toàn cầu.

Tọa đàm có sự tham gia của 5 nữ chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nhân, giảng viên tiêu biểu cùng hoạt động thảo luận trao đổi giữa các diễn giả và hơn 40 sinh viên đến từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên tham dự. 

Những mối quan tâm của các nữ sinh về thách thức, kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong quá trình phấn đấu sự nghiệp và tạo tác động tích cực trong xã hội; đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và thế mạnh của nữ giới làm khoa học đã được các chuyên gia giải đáp.

Chia sẻ kinh nghiệm cùng các nhà nữ khoa học và kỹ sư tương lại  - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Lời khuyên cho nữ sinh theo con đường khoa học

PGS.TS Nguyễn Thị Loan, Giảng viên cao cấp của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Lời khuyên của tôi dành cho các bạn nữ sinh viên chuyên ngành kỹ thuật là hãy luôn tập trung vào lĩnh vực chuyên môn, đặt mục tiêu càng sớm càng tốt và luôn cố gắng mở rộng kết nối".

PGS.TS Nguyễn Phạm Thục Anh, Giảng viên cao cấp của Đại học bách khoa Hà Nội nhấn mạnh: "Các bạn nên bắt đầu nghiên cứu khoa học từ thời gian sớm nhất có thể. Đặc biệt, các bạn nữ trong ngành Khoa học kỹ thuật thậm chí còn nắm giữ các ưu thế, trở thành người đứng đầu trong các nhóm nghiên cứu và tham gia rất năng nổ, nhiệt tình. Nghiên cứu khoa học tạo cho các bạn sự chủ động, tư duy sáng tạo và là hành trang tốt để chuẩn bị cho quá trình học tập chuyên sâu".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn