Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có chia sẻ về sách, xuất bản và văn hóa đọc tại Hội thảo Sách - Con đường tri thức do NXB Tri thức tổ chức mới đây tại Hà Nội.
"Vai trò của sách đã được khẳng định từ rất lâu. Sách chính là công cụ níu giữ, trao truyền trí tuệ của các thế hệ. Gần đây, có nhiều phương tiện nghe nhìn cũng mang sứ mệnh này nhưng rõ ràng, vai trò của sách là chưa thể thay thế và có lẽ là không thể thay thế. Xuất bản và văn hóa đọc có thể coi là hai mặt của một vấn đề. Chỉ khi xuất bản phát triển thì mới có một nền văn hóa đọc phát triển và ngược lại", ông Nguyễn Nguyên khẳng định.
Nhìn ra thế giới, một số quốc gia có nền văn hóa đọc phát triển như Mỹ, Nhật hay Trung Quốc đều sở hữu một ngành xuất bản phát triển. Điển hình như Mỹ, quốc gia này có gần 114.000 thư viện, trong đó thư viện công cộng chiếm tới 9.000 cơ sở.
Tại Nhật Bản, có khoảng 33 triệu người đăng ký làm bạn đọc thường xuyên của các thư viện. Mỗi năm, lượng sách đi qua hệ thống thư viện lên tới 650 triệu bản, tương đương gần 6 cuốn sách trên đầu người.
Trong khi đó, ở Việt Nam, theo một số liệu thống kê cách đây chưa lâu, trung bình một người dân đọc sách chỉ khoảng 1 cuốn trên đầu người mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Nguyên, xuất bản và văn hóa đọc có mối quan hệ gắn kết, hữu cơ, không thể tách rời. Muốn cho ngành xuất bản phát triển, không thể không đầu tư cho câu chuyện về văn hóa đọc. Điều căn cốt nhất để xuất bản phát triển, văn hóa đọc phát triển chính là làm thế nào để tạo dựng thói quen đọc sách. Bên cạnh đó, thói quen chỉ có thể xây dựng được một cách tốt nhất đối với độ tuổi dưới 16.
"Để tạo dựng thói quen đọc sách sẽ là câu chuyện giữa ngành xuất bản, văn hóa và giáo dục. Phải tạo được thêm không gian và thời gian cho trẻ em đọc sách. Từ đó, dần biến thói quen đọc sách trở thành sở thích. Chỉ có như vậy, văn hóa đọc mới thực sự phát triển một cách cốt lõi, bền vững", Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn