Với mục tiêu phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm cuối năm 2024 còn 2,2% và đến cuối năm 2025 còn 1,84%, đồng thời nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân toàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo" trên toàn tỉnh. Buổi lễ diễn ra tại huyện A Lưới - địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn tỉnh.
Việc phát động phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo" nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các dòng họ, dòng tộc, làng, bản, đặc biệt là vai trò của trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số gương mẫu, nòng cốt đi đầu trong thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Phong trào này cũng góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực của các dòng họ, làng, bản, người có uy tín chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương động viên, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các gia đình trong dòng họ, làng, bản nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần thực hiện thành công công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ông Hồ Văn Hạnh, dân tộc Pa Cô (trú tại xã Trung Sơn, huyện A Lưới) - một già làng, người có uy tín đại diện cho 177 già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố của huyện A Lưới, tham dự lễ phát động, chia sẻ: "Không chỉ tuyên truyền, chúng tôi còn phải làm sao để thay đổi nhận thức của bà con trong giảm nghèo bền vững. Muốn làm được, chúng tôi phải làm cho bà con thấy, bà con tin, bà con làm theo chính bằng công việc cụ thể, thiết thực của mình trong cuộc sống".
Để vận động, thuyết phục được bà con, bản thân người uy tín phải "miệng nói, tay làm". Bởi bà con chỉ tin và làm theo khi thấy những việc làm thiết thực, hiệu quả. Để làm tốt phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo", ông Hạnh cho biết ông sẽ đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của các hộ nghèo; đồng thời thường xuyên nắm bắt những nguyện vọng, khó khăn của cộng đồng dân cư; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, khai thác thế mạnh từng dòng họ, bản làng để không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định, để phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo" được thực hiện sâu rộng, có hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hỗ trợ đồng bộ, kịp thời chung tay cùng các hộ nghèo thoát nghèo; quyết tâm phấn đấu hộ nghèo có sức lao động phải thoát nghèo; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín phải nêu cao hơn nữa vai trò của mình trong làng bản, dòng họ động viên khuyến khích các con em tích cực, nỗ lực thoát nghèo.
Đồng thời, cấp ủy, chính quyền cần vào cuộc theo từng địa chỉ hộ nghèo để phong trào có chiều sâu, phát triển lâu dài, thật sự đem lại lợi ích thiết thực cho người dân; tiếp tục vận động, tuyên truyền cho người dân, giúp cho bản thân hộ nghèo có ý chí vươn lên, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại quyết định thành công của phong trào.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn