Ông Phạm Đức Nghiệm cho biết: Khởi nghiệp sáng tạo luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới".
Những nỗ lực thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Chính phủ được thể hiện qua các quyết định, luật, nghị định, đề án, cụ thể:
- Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030
- Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN); Luật đầu tư; Luật chứng khoán; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật sở hữu trí tuệ.
- Nghị định 38/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DNVVN; Nghị định 39/2018 của Chính phủ hướng dẫn Luật hỗ trợ DNVVN, …
- Đề án 844 hỗ trợ Hệ sinh thái KNST Quốc gia đến năm 2025
- Quyết định 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 844/QĐ-TTg về hỗ trợ HST KNST quốc gia đến năm 2025
- Đề án 1665 hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025
- Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025…
Cùng với đó là một số Chính sách mới hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo được thể hiện trong: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP hướng dẫn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 34/2018/NĐ-CP quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Luật Chuyển giao công nghệ 2017 (Khoản 3, Điều 39; Điều 12, 13, 14)...
Với trọng tâm phát triển hệ sinh thái xoay quanh các cơ sở giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nghiên cứu (là nguồn cung cấp nhân lực, kết quả nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế,…), Bộ KH&CN phối hợp chặt chẽ với:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) xây dựng kế hoạch triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (Quyết đinh số 1665/QĐ-TTg ngày 31/10/2017) nhằm đưa kiến thức, công cụ khởi nghiệp ĐMST vào hệ thống giáo dục;
- Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đến năm 2025" (Quyết định 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017);
- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" (tại Quyết định số 897 QĐ-TTg ngày 26/7/2022) hướng tới tạo thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ĐMST trong thanh niên.
Riêng với Đề án 939, tập trung vào đối tượng là phụ nữ khởi nghiệp, Đề án đã đặt ra mục tiêu: Hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiện nay đã có nhiều chính sách để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, tuy nhiên, về phía doanh nghiệp nữ, vẫn có nhiều khó khăn, rào cản cần vượt qua. Theo "Báo cáo nghiên cứu về DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách", một số khó khăn, hạn chế và nguyên nhân đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ được chỉ ra như sau:
- Thiếu kiến thức kỹ năng bao gồm kiến thức quản trị doanh nghiệp, nhân sự, tài chính, marketing,….
- Khó tiếp cận các nguồn lực và thị trường do không có tài sản sản thế chấp phù hợp, hoặc không có sự ủng hộ của người chồng và gia đình trong quá trình vay vốn.
- Ít có cơ hội tham gia xúc tiến thương mại do các doanh nhân nữ ít thông tin hơn do họ có ít mối quan hệ và ít "giao lưu" hơn các đồng nghiệp nam.
- Bất lợi trong xây dựng và phát triển mạng lưới kinh doanh.
Ngoài ra, nữ doanh nhân còn phải cân bằng công việc quản lý doanh nghiệp với gia đình và phải vượt qua những trở ngại văn hóa.
Cùng với những khó khăn chung, phụ nữ khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo còn gặp những khó khăn cụ thể:
Thứ nhất, hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo chưa đầy đủ, còn thiếu một số quy định đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp: Đăng ký mã ngành, huy động vốn cộng đồng.
Thứ hai, văn hóa khởi nghiệp bước đầu hình thành: Đầu tư phát triển để làm giàu cho bản thân, gia đình và làm giàu cho đất nước; sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, rủi ro. Chính vì thế, trên thực tế, nhiều cơ hội chưa được tận dụng để chuyển hóa tiềm năng thành khả năng thực hiện.
Thứ ba, môi trường đầu tư, kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn một số điểm nghẽn, ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn lực khởi nghiệp, như thị trường quyền sử dụng đất, các sản phẩm công nghệ, lao động chất lượng cao.
Thứ tư, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp quan trọng đối với kinh tế, nhưng Việt Nam chưa tận dụng tốt cơ hội tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm, liên kết với các nước trong khu vực và toàn cầu.
Thứ năm, doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ chủ yếu ở các nhóm ngành có tiềm năng và lợi thế phát triển chiếm tỷ trọng thấp, như nông nghiệp, du lịch, chế biến, chế tạo.
Thứ sáu, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo,
Thứ bảy, Chính sách tín dụng khó tiếp cận do hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ban đầu đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nguồn vốn nội sinh ít, tài sản để thế chấp vay ngân hàng hầu như không có. Bên cạnh đó, bản chất của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là rủi ro cao nên các kênh huy động vốn truyền thống qua các ngân hàng thương mại rất khó khăn
Thứ tám, Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo còn yếu, thiếu khả năng liên thông và tương tác giữa các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Để tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn diện hơn, Bộ KH&CN đề xuất triển khai trọng tâm một số nội dung, đặc biệt tập trung ưu tiên triển khai đối với đối tượng phụ nữ khởi nghiệp như sau:
Về chính sách:
Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thu hút nguồn tài chính cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp đặt biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Phối hợp nghiên cứu xây dựng chính sách thí điểm cho phép các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước ưu tiên đặt hàng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, và đặc biệt khuyến khích đối với các doanh nghiệp do nữ làm chủ từ nguồn ngân sách.
Về cơ chế:
- Mở rộng các hoạt động liên kết với các trung tâm và tổ chức hỗ trợ Khởi nghiệp ĐMST trong khu vực; Phối hợp với các nhà tài trợ quốc tế tích hợp các tiêu chí về đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ trong các chương trình tài trợ về phát triển năng lực cho các nhà thụ hưởng là doanh nghiệp khởi nghiệp đặc biệt là các doanh nghiêp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ, các cơ quan có liên quan trong thành tố hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
- Hình thành, phát triển mạng lưới hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, mạng lưới nữ cố vấn khởi nghiệp với độ mở cao, xây dựng các hoạt động, chương trình, chính sách mở rộng kết nối giữa hệ thống các doanh nghiệp dẫn đầu của địa phương với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
- Tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu các tổ chức, doanh nghiệp tham gia triển khai các hoạt động trong khuôn Đề án 844 để đẩy mạnh kết nối nguồn lực, gắn kết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong các nhiệm vụ liên quan tới đào tạo, nâng cao năng lực, liên kết trong hệ sinh thái.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tuyên truyền vai trò, vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế, xây dựng mô hình, hỗ trợ các điều kiện để các mô hình tập thể, cá nhân có nhiều sáng tạo đổi mới và phát triển.
- Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ giúp nhau khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Tạo điều kiện, nâng cao chất lượng sinh hoạt các câu lạc bộ, các mô hình, tổ phụ nữ làm ăn có hiệu quả, điển hình nhân rộng.
- Các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm; tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay tập trung hướng dẫn khoa học kỹ thuật, kỹ năng quản lý, sử dụng nguồn vốn từ các mô hình sản xuất, kinh doanh do nữ làm chủ có hiệu quả để nhân rộng.
- Các đơn vị có liên quan cần phối hợp tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; đăng ký sở hữu các sản phẩm, đặc sản của địa phương.
- Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, họp mặt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nhằm trang bị thêm kiến thức, định hướng, ý tưởng kinh doanh; ưu tiên cho các mô hình cá nhân, hộ gia đình do phụ nữ làm chủ có khả năng, điều kiện khởi nghiệp,
Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (Đề án 939) được triển khai từ năm 2017 đến nay đã mang lại những tác động và thay đổi tích cực, đưa phong trào khởi nghiệp trong phụ nữ ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, sức sáng tạo của phụ nữ, đồng thời kết nối giữa các doanh nghiệp do nữ làm chủ đóng góp vào công cuộc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia nói chung và thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cho phụ nữ nói riêng.
Kiến nghị trong thời gian tới Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các Hội LHPN tại 63 tỉnh, thành phố tích cực triển khai thực hiện Đề án 939 trên toàn quốc, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh áp dụng, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn