Giữ danh xưng là "đất nước sạch sẽ hàng đầu thế giới", Singapore là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có lời giải khá trọn vẹn cho bài toán rác thải. Ở Singapore, với người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 đôla và phải lao động công ích. Tất nhiên trước khi ban hành điều luật này, Chính phủ Singapore phải đảm bảo có được một hệ thống dịch vụ kỹ thuật hoàn tất, đơn giản là 4 thùng rác hoặc 1 thùng rác có 4 ngăn (theo yêu cầu phân loại của chính phủ) phải có ở nơi dễ thấy nhất, với khoảng cách không quá 500m.
Từ năm 1979, Singapore đã xây dựng nhà máy đốt rác đầu tiên, gia nhập nhóm quốc gia tiên phong về "Waste to Energy" (WTE) - quy trình biến rác thải thành năng lượng. Đến nay đã hơn 40 năm nhà máy đốt rác đầu tiên ở Singapore đi vào hoạt động, họ còn có thêm 3 nhà máy như vậy, chịu trách nhiệm xử lý 90% rác thải của đất nước, biến nó thành năng lượng điện. Đây thật sự là một quy trình kín kẽ, hiệu quả cao mà cả thế giới đều muốn học hỏi. Mỗi nhà máy đốt được hơn 1.000 tấn rác mỗi ngày, "hấp thụ" khoảng 90% rác của quốc gia và biến nó thành điện, quay về phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Nước này chỉ chôn 2% lượng rác thải rắn; 38% được đốt để tạo ra điện, số còn lại được đem đi tái chế. Chính phủ Singapore đã triển khai chương trình xử lý rác thông minh này từ năm 2001. Cho tới năm 2005, có tới 56% các hộ gia đình Singapore tham gia chương trình này. Theo đó quy trình chọn lọc và tái chế rác thải được giới thiệu và ra mắt rộng rãi ở các trường học, văn phòng, trung tâm mua sắm.
Ngoài việc ưu tiên tái chế rác thải, Singapore còn dùng cách thiêu rác để tạo ra điện. Đầu tiên, xe tải mang rác (đã cân khối lượng) đến nhà máy. Toàn bộ rác được dồn vào hầm chứa đặc biệt, được thiết kế để ngăn mùi hôi thối bốc ra. Kế đó, máy nghiền sẽ xoay tròn để làm vỡ vụn rác thải cứng rồi đưa vào lò đốt. Nhiệt từ quá trình đốt sản sinh hơi, giúp đẩy máy phát turbine và tạo ra điện. Khói từ quá trình này sẽ được lọc kỹ để loại bỏ các chất gây hại trước khi xả ra ngoài.
Ở Nhật Bản, tất cả mọi người đều được dạy với tinh thần chủ động từ nhỏ: "Không phải ai khác sẽ làm, chúng tôi sẽ giữ gìn vệ sinh công cộng". Với người Nhật, việc giữ gìn vệ sinh chung không chỉ là ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân mà họ hướng về toàn thể cộng đồng.
Lượng rác thải ở Nhật Bản ước khoảng hơn 45 triệu tấn mỗi năm. Hành trình của rác thải từ hộ gia đình, nhà hàng, nhà máy tới các khu xử lý chuyên nghiệp đều được bắt đầu từ ý thức phân loại rác của người dân. Tức là việc xử lý rác luôn được thực hiện từ gốc. Do không có nhiều đất để chôn lấp rác, nước này buộc phải dựa vào giải pháp đốt rác. Người Nhật phân loại rác rất cẩn thận theo 4 loại chính như rác nhựa, rác tái chế, đốt được và không đốt được, sau đó mới bỏ vào túi. Ngày nào vứt rác loại gì cũng được thực hiện rất nghiêm chỉnh theo quy định. Nếu thực hiện không đúng, các nhân viên thu gom sẽ để lại rác để người vứt phải đem về phân loại cho chuẩn xác. Nếu tiếp tục vi phạm, người vứt rác sẽ bị nhắc nhở, bị kỳ thị và xa lánh.
Rác thải sẽ được phân loại một cách kỹ lưỡng, các vật liệu khó cháy sẽ được đốt bằng tầng sôi. Một số khác được treo lên trên lớp đệm tro nóng sủi bọt để luồng không khí nóng thổi qua, giúp thúc đẩy các phản ứng hóa học diễn ra. Một số chất hóa học được thêm vào để trung hòa các loại khí độc hại thoát ra trong quá trình đốt. Vì vậy, hơi thoát ra từ những nhà máy đốt rác khổng lồ này thường chỉ là hơi nước và gần như không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Có khoảng 20,8% tổng lượng rác thải hằng năm được Nhật Bản đưa vào tái chế, đặc biệt là các chai nhựa tổng hợp PET. Nhiều công ty Nhật Bản đang tăng cường sử dụng nhựa từ chai cũ để sản xuất mới. Chai lọ chưa trải qua quá trình lọc có thể được chuyển thành sợi may quần áo, túi, thảm và áo mưa.
Chỉ riêng thủ đô Tokyo đã có 21 nhà máy xử lý rác thải, trong đó nhà máy lớn nhất Toshima giúp thành phố xử lý khoảng 400 tấn rác một ngày và khoảng 150.000 tấn/năm. Một điều đặc biệt là để vận hành những nhà máy này tiêu tốn một lượng điện năng khổng lồ nhưng cả 21 nhà máy ở đây gần như không tiêu tốn một chút điện nào từ mạng điện lưới quốc gia. Chính quyền TP Tokyo ước tính, số lượng điện dư từ quá trình đốt rác có giá trị khoảng 9,8 tỷ yen mỗi năm (khoảng 1.800 tỷ đồng).
Ngoài ra, Nhật Bản cũng ứng dụng công nghệ lấp biển bằng đá nặng, xi măng, bụi và rác để tạo thêm đất mới. Hai sân bay quốc tế là Chubu Centrair và Kansai đều xây trên những hòn đạo nhân tạo từ rác này. Thậm chí chính quyền thành phố Tokyo đã cải tạo 249 km² được ven vịnh Tokyo từ các bãi rác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn