Từ những năm 1980, lò vi sóng đã trở thành một sản phẩm phổ biến trong các hộ gia đình. Việc sử dụng lò vi sóng để nấu hoặc hâm nóng thức ăn rất tiện lợi và nhanh chóng, do đó, nó trở thành một công cụ không thể thiếu trong đời sống. Tuy nhiên, với ý thức nâng cao sức khỏe, nhiều người lo lắng liệu lò vi sóng có tiêu hủy giá trị dinh dưỡng của thực phẩm hay không?
Dùng lò vi sóng cũng cần biết cách. (Ảnh minh họa)
Về nguyên lý, lò vi sóng sử dụng một loại bức xạ điện từ tương tự như sóng radio và tia hồng ngoại... để nấu, rã đông và hâm nóng thực phẩm một cách hiệu quả. Sóng này làm rung động các phân tử nước trong thực phẩm, từ đó giải phóng nhiệt nhanh chóng. Nhờ thế, lò vi sóng có thể nấu chín thức ăn nhanh hơn các phương pháp nấu thông thường bởi vì nó làm nóng cả bên trong và bên ngoài thực phẩm cùng một lúc.
Chưa nghiên cứu nào chứng minh được sử dụng lò vi sóng gây hại cho sức khỏe con người, do đó, nó được coi là một thiết bị hữu dụng và phổ biến. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra lò vi sóng có thể làm tổn hại một số dinh dưỡng nhất định trong thực phẩm.
Một điều cần lưu ý, phương pháp nấu ăn nào cũng có thể làm tổn hao lượng dinh dưỡng trong thực phẩm, nấu bằng lò vi sóng không ngoại lệ. Ví dụ, rau và trái cây nấu trong lò vi sóng có thể bị mất một phần vitamin và chất diệp lục. Viện nghiên cứu Thiết bị điện Gia dụng Trung Quốc, kết hợp với các tổ chức kiểm nghiệm chuyên nghiệp thực phẩm quốc gia, đã so sánh các thành phần dinh dưỡng bao gồm vitamin, chất béo, protein, khoáng chất... của thực phẩm khi được nấu trong lò vi sóng và các nguồn nhiệt khác. Kết quả cho thấy, Tuy nhiên, thời gian nấu của lò vi sóng ngắn hơn các phương pháp truyền thống, do đó, lượng dinh dưỡng mất đi không đáng kể.
Đồng thời, xét về khả năng bảo vệ các chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất nhạy cảm với thời gian làm nóng thì tác dụng của hâm nóng bằng lò vi sóng tốt hơn đáng kể so với nấu bằng các nguồn nhiệt khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi rau, trái cây và các thực phẩm khác được nấu bằng lò vi sóng, lượng vitamin C, flavonoid và chất diệp lục bị mất đi sẽ nhỏ hơn, khi thực phẩm đạt đến nhiệt độ làm nóng như nhau, do thời gian làm nóng của lò vi sóng ngắn hơn.
Ngoài ra, việc mất các vitamin tan trong nước, chẳng hạn như vitamin C, vitamin B... có liên quan đến lượng nước được thêm vào trong phương pháp nấu ăn. Nấu bằng lò vi sóng có thể giữ lại các vitamin tan trong nước tốt hơn trong thực phẩm vì không cần thêm nước hoặc chỉ cần một lượng nhỏ nước.
Thực phẩm chứa axit béo không bão hòa không được khuyến khích nấu bằng lò vi sóng
Dinh dưỡng của các thực phẩm chứa axit béo không bão hòa như cá, thịt, lòng đỏ trứng cũng như thực phẩm chứa vi khuẩn sống như sữa chua... sẽ bị ảnh hưởng bởi lò vi sóng. Nghiên cứu chỉ ra, các chất dinh dưỡng của chúng sẽ bị phá hủy. Do đó, nên hạn chế nấu chúng trong lò vi sóng.
Bất kỳ hình thức chế biến ẩm thực nào, bao gồm cả đun nóng và làm lạnh, đều làm thay đổi các đặc tính vật lý, thành phần hóa học và đặc điểm dinh dưỡng của thực phẩm. Vì vậy, cần lựa chọn cách nấu thức ăn hợp lý, khoa học, vừa hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng trong thức ăn vừa đáp ứng được màu sắc và hương vị.
Nên đọc kỹ hướng dẫn, sử dụng lò vi sóng sao cho khoa học, ví dụ chọn thời gian và công suất lò vi sóng hợp lý, không nên đun quá lâu hoặc quá mạnh.
Đảo thức ăn trong quá trình nấu để phân bổ nhiệt đều và tránh để rau củ bị chín quá làm giảm mất chất dinh dưỡng.
Không nấu trực tiếp thức ăn có vỏ hoặc màng cứng, chẳng hạn như trứng cả vỏ, trứng cút, xúc xích giòn... trong lò vi sóng. Nên bóc vỏ hoặc cắt hay chọc một vài lỗ trên vỏ quả trong khi đun nóng để hơi thoát ra ngoài, tránh gây nổ hoặc rách bề mặt thực phẩm.
Việc hâm nóng bằng lò vi sóng không có tác dụng tiệt trùng. Bạn không nên cho vào lò vi sóng thực phẩm được bảo quản qua đêm hoặc thời gian tương đối lâu để tránh các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn