Bà Đặng Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Thực hiện Đề án 939, thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã đồng hành, giúp hội viên phụ nữ vượt qua những rào cản, yên tâm khởi nghiệp. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ vốn, kiến thức, hàng năm Hội đều tổ chức các hoạt động như: Ngày hội "Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp"; Hội thi "Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp", nhằm tạo thêm cơ hội, động lực để chị em khởi nghiệp được giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.
Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp được Hội xác định là việc làm cần sự bền bỉ, lâu dài. Quá trình khởi nghiệp của phụ nữ phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Để đi đến thành công, bản thân phụ nữ cần không ngừng nỗ lực, chủ động khắc phục, bước qua những khó khăn. Bên cạnh đó, phụ nữ khi bắt tay vào khởi sự kinh doanh, duy trì mở ra doanh nghiệp đã khó, duy trì được thì khó hơn gấp bội. Vì vậy, họ rất cần sự đồng hành bền bỉ của các cấp Hội trong thời gian dài để chị em vững vàng phát triển lâu bền".
Trong gần 5 năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Tiền Giàn đã hỗ trợ, phối hợp với các ngành liên quan tư vấn, giới thiệu việc làm cho 24.635 lao động nữ có nhu cầu tìm việc làm; mở 201 lớp đào tạo nghề cho 4.539 lao động nữ có nhu cầu khởi nghiệp được tham gia các lớp học nghề: May, đan, nấu ăn, trồng lúa, kỹ thuật trồng sầu riêng, thanh long, trồng bưởi, trồng rau an toàn, lúa cao sản, cây cảnh, nuôi thủy sản, lớp về kỹ thuật chăn nuôi heo...
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn duy trì và phát triển các mô hình tạo việc làm tại chỗ như: Đan dây nhựa, đan giỏ xách, đan lục bình, may túi xách... Phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học như: Trồng khóm, khoai mỡ, trồng lúa, nuôi heo, nuôi gà, vịt, chăm sóc sầu riêng, cây mít, cây lúa...
Đặc biệt, qua 4 năm phát động Hội thi "Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp" đã lan tỏa, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ; qua đó, thu hút 726 bài dự thi cấp tỉnh, trong đó Tỉnh Hội chọn 46 dự án tham gia dự thi cấp Trung ương. Kết quả, có 14 dự án vượt qua vòng sơ khảo, trong đó có 09 dự án vào vòng thi Chung kết cấp vùng và có 01 đạt giải "Khát vọng" ở vòng Chung kết toàn quốc.
Ngoài ra, Tỉnh Hội đã tạo điều kiện cho 3 hợp tác xã do phụ nữ quản lý tham gia hoạt động "Ngày hội việc làm, kết nối doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm hàng Việt" tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ với các mặt hàng chủ lực do phụ nữ khởi nghiệp.
Hướng dẫn hội viên, phụ nữ hiện thực hóa 167 ý tưởng kinh doanh như: Mua bán tạp hóa, sản xuất và mua bán nước suối đóng chai, trồng và nhân giống cây, mua bán hủ tiếu, bánh canh, mỹ phẩm... Trao phương tiện sinh kế cho 55 chị phụ nữ nghèo để có vốn khởi nghiệp số tiền 250 triệu đồng như: Mua xe nước mía, xe bánh mì, dụng cụ bàn ghế, chén đĩa mở quán ăn,...
Phối hợp Chi hội Nữ doanh nhân TP.HCM hỗ trợ mô hình sinh kế trồng sả tại huyện Tân Phú Đông cho 10 hội viên, với tổng số tiền 100 triệu đồng. Đến cuối năm 2021, chuyển dự án sang huyện Tân Phước, hỗ trợ cho 20 hội viên thực hiện mô hình trồng khóm, với số tiền 200 triệu đồng. Đồng thời, kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang, hỗ trợ vốn vay cho 1.633 hội viên phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, với số tiền trên 29 tỷ đồng; hỗ trợ 180 doanh nghiệp nữ mới thành lập, trong đó Hội đã vận động thành lập 10 doanh nghiệp nữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn