pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiền Giang: Nâng cao tính sáng tạo trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Hội LHPN huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, đã hỗ trợ hàng trăm phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh
PNVN đã có cuộc trò chuyện với bà Lê Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.
Được biết việc lồng ghép hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong các chương trình, đề án đang triển khai tại địa bàn được Hội triển khai rất sáng tạo, xin bà cho biết cụ thể?
Hiện nay trên địa bàn huyện đang triển khai thực hiện các dự án, qua đó tạo điều kiện hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
Ví dụ hỗ trợ thành lập 9 tổ hợp tác trồng sả, tôm lúa với 263 thành viên tham gia tại 3 xã Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân, trong đó có 1 tổ hợp tác do hội viên phụ nữ làm tổ trưởng. Các thành viên trong các tổ đều được hỗ trợ vốn với số tiền trên 2 tỷ đồng, ngoài vốn các thành viên còn được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp việc nuôi trồng đạt hiệu quả hơn. Ngoài ra, UBND huyện cử 18 người là tổ trưởng, tổ phó và thư ký các tổ tham quan học tập mô hình trong quản lý và điều hành tổ hợp tác tại An Giang, qua đó giúp các anh chị học hỏi thêm được nhiểu kinh nghiệm trong quản lý và điều hành tại địa phương hiệu quả hơn.
Về hỗ trợ bò giống sinh sản, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2018-2020 đã triển khai được 46 dự án, hỗ trợ cho 795 hộ phụ nữ nghèo, số tiền trên 12 tỷ đồng. Dự án tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo bền vững tại tỉnh Tiền Giang. Kết quả đã hỗ trợ cho 21 hộ với tổng số tiền 335 triệu đồng tại 2 xã Tân Thới, Tân Phú.
Ngoài ra, Hội phối hợp các cơ quan, ban ngành tổ chức dạy nghề chăn nuôi heo, bò, trồng cây có múi, trồng rau an toàn, may công nghiệp trang bị kiến thức cho 194 hội viên, đoàn viên để áp dụng vào sản xuất kinh tế gia đình đạt hiệu quả cao.
Qua các dự án, Hội đã hỗ trợ việc làm cho bao nhiêu lao động, thưa bà?
Hội đã phối hợp phòng Lao động thương binh xã hội huyện tổ chức giới thiệu việc làm cho hơn 2.000 lao động là thanh niên, thông qua các phương tiện truyền thanh, thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp về nhu cầu tuyển lao động phổ thông ở các Khu Công nghiệp trong và ngoài tỉnh để nhiều người lao động nắm bắt được thông tin về việc làm. Tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, phát tờ rơi, quảng cáo cho các đối tượng có nhu cầu, giúp cho người lao động nâng cao nhận thức, hiểu rõ tính chất và nhu cầu của công việc, từ đó giúp họ chủ động tìm đến các Trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch tìm việc làm phù hợp.
Ngoài ra, hàng năm Hội phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang và Huyện Đoàn tổ chức tư vấn giới thiệu cho trên 350 lao động là thanh niên tuyển vào làm việc ở các khu công nghiệp - khu chế xuất. Bên cạnh đó, những năm qua toàn huyện đã giới thiệu 40 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Nga, Campuchia, Hàn Quốc…
Ban thường vụ Hội LHPN huyện đã phối hợp Huyện Đoàn tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu chính sách về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thu hút hàng trăm cán bộ, hội viên, phụ nữ và nữ thanh niên trên địa bàn huyện tham dự. Đồng thời tổ chức hỗ trợ vốn giúp 10 hội viên phụ nữ nghèo khởi nghiệp số tiền 30 triệu đồng.
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh, vốn hộ nghèo từ NHCSXH huyện Gò Công tây, vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ với dư nợ hiện nay trên 110 tỷ đồng đã hỗ trợ cho trên 3.000 thành viên vay phát triển kinh tế gia đình. Qua đó đã giúp cho chị em có nguồn vốn phát triển kinh tế, ổn định thu nhập, vươn lên trong cuộc sống.
Làm thế nào để biết được nhu cầu khởi nghiệp của chị em phụ nữ để tiến hành các dự án hỗ trợ, thưa bà?
Hội LHPN huyện phối hợp với Hội LHPN tỉnh khảo sát nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đối với 40 phụ nữ trên địa bàn huyện. Đồng thời hướng dẫn chị em cách thức xây dựng ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp. Sau khi đuợc hướng dẫn chị em mạnh dạn xây dựng ý tường kinh doanh.
Đã có 30 ý tưởng khởi sự kinh doanh của hội viên phụ nữ gửi về huyện để lựa chọn tham gia Hội thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức trong những năm qua. Qua vòng sơ tuyển của huyện đã có 4 ý tưởng khởi sự kinh doanh gồm: sản xuất mứt mãng cầu, sản xuất trà mãng cầu, đồ trang trí từ thiệp cưới, thành lập tổ bó chổi, ủ nấm bằng lá sả của 5 hội viên tham dự hội thi cấp tỉnh và được tỉnh đánh giá cao. Qua đó đã trao 4 giải thưởng "Ý tưởng sáng tạo - khởi nghiệp" cho 4 chị. Hiện nay các chị sản xuất, kinh doanh phát triển tốt.
Hàng năm, BTV Hội LHPN huyện hỗ trợ chị em đưa sản phẩm kinh doanh của mình tham gia trưng bày tại Ngày Hội Phụ nữ khởi nghiệp do tỉnh tổ chức, với các sản phẩm như trà mãng cầu, mật mãng cầu, mứt mãng cầu, tinh dầu sả... được đại biểu đánh giá tốt, hoạt động này góp phần giới thiệu sản phẩm địa phương đến với khách hàng nhiều hơn, sản phẩm khởi nghiệp của chị em được biết ngày càng nhiều hơn.
Xin bà cho biết, việc triển khai đề án có được sự đồng thuận cao của hội viên và các ban, ngành không?
Việc triển khai Đề án được sự đồng thuận, sự tham gia của các ban ngành, việc triển khai ở địa phương được sự hưởng ứng của các tầng lớp phụ nữ và người dân trong cộng đồng.
Qua triển khai thực hiện Đề án đã giúp cho hội viên, phụ nữ, thanh niên, người dân có ý tưởng kinh doanh hiện thực hóa được ý tưởng của mình, tăng thu nhập gia đình, nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Hỗ trợ được nhiều phụ nữ có vốn sản xuất kinh doanh, trang bị kiến thức để áp dụng vào sản xuất từ đó nâng cao nhận thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trong giai đoạn 2022-2025, Hội tiếp tục tổ chức các cuộc tập huấn cho tuyên truyền viên thực hiện đề án, cho cán bộ Hội chuyên trách các cấp và cán bộ các ban, ngành tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Phấn đấu 100% doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Xin cảm ơn bà!