Mới khởi nghiệp nên chọn loại hình nào phù hợp?

An Khê
07/10/2022 - 10:23
Mới khởi nghiệp nên chọn loại hình nào phù hợp?

Luật sư Lê Thị Hồng Linh - Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) An Ninh

Ở Việt Nam, việc thành lập doanh nghiệp để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của các Start-up. Trong đó lựa chọn loại hình doanh nghiệp là việc làm cơ bản quan trọng đầu tiên khi bắt đầu khởi nghiệp, bởi loại hình doanh nghiệp sẽ quyết định các yếu tố cốt lõi như cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, cơ cấu vốn và phân chia lợi ích trong doanh nghiệp.

Luật sư Lê Thị Hồng Linh - Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) An Ninh đã có những chia sẻ cụ thể về vấn đề này.

Theo Luật sư, việc chưa xác định được mô hình kinh doanh sẽ ảnh hưởng thế nào đến quá trình khởi nghiệp?

Có thể thấy từ thực tế, nếu không xác định được đúng mô hình kinh doanh phù hợp sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong thời gian doanh nghiệp mới thành lập "còn non trẻ". 
Do đó, Start-up cần tìm hiểu kỹ đặc điểm của từng loại hình trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp để có được sự lựa chọn phù hợp nhất.

Lựa chọn loại hình khởi nghiệp phù hợp - Ảnh 1.

Sản phẩm khởi nghiệp của chị Trần Thị Hồng Vâng (Quảng Nam)

Hiện nay có mấy loại hình doanh nghiệp? Thưa Luật sư.

Theo Luật doanh nghiệp năm 2020 có 5 loại hình doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân; Công ty hợp danh; Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (TNHH 1 thành viên); Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên (TNHH 2 thành viên trở lên) và Công ty cổ phần. Trong đó, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần là 2 loại hình được quan tâm.

- Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

- Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.

- Công ty cổ phần: Là doanh nghiệp, trong đó: Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật Doanh nghiệp 2020. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.

Về đặc điểm chung thì các loại hình này đều có tư cách pháp nhân, trách nhiệm về nghĩa vụ tài sản chỉ thực hiện trong phạm vi vốn. Điểm tạo ra khác biệt giữa các loại hình này là về huy động vốn, cơ cấu tổ chức. Loại hình công ty cổ phần dễ dàng huy động vốn dẫn đến có sự phân hóa các nhóm cổ đông đối kháng nhau về mặt lợi ích nên việc quản lý, điều hành công ty sẽ phức tạp hơn.

Trong khi đó, nếu như Công ty TNHH 1 thành viên gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và hoạt động quản lý, do chỉ có vốn của một thành viên tự đóng góp và thành viên đó lại tự điều hành tất cả các hoạt động của Công ty (nhưng được quyền tự quyết toàn bộ) thì đối với Công ty TNHH 2 thành viên số thành viên tham gia góp vốn sẽ nhiều hơn ít nhất là hai, đồng thời công việc cũng được chia sẻ cho các thành viên góp vốn. Như vậy, vốn của Công ty TNHH hai thành viên sẽ dễ dàng huy động hơn và việc hạn chế số lượng thành viên không quá 50 người cũng là điều kiện rất tốt để Công ty TNHH hai thành viên thực hiện chức năng quản lý của mình, so với Công ty cổ phần - không bị hạn chế thành viên dẫn đến huy động vốn từ quá nhiều người khiến Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý các cổ đông.

Ngoài ra, việc chuyển nhượng vốn góp của Công ty TNHH hai thành viên sẽ đảm bảo rằng vốn sẽ được chào bán cho tất cả các thành viên trong Công ty, trường hợp thành viên Công ty không mua hoặc mua không hết thì mới chuyển nhượng cho người khác, quy định như vậy cũng sẽ hạn chế được phần nào sự chuyển nhượng vốn cho người mới, tránh được những bất đồng trong việc quản lý, điều hành Công ty khi có cá nhân khác tham gia. Trong khi đó, với loại hình cổ phần, sau 3 năm thành lập, các cổ đông sáng lập được quyền chuyển nhượng cổ phần. Nhưng tại thời điểm đó, công ty chưa thật sự ổn định về kinh doanh và tổ chức, nên nếu có sự thay đổi về những người đứng đầu thì doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Và lời khuyên của Luật sư cho những người mới khởi nghiệp là gì?

Các Start-up khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp thường hay chọn mô hình công ty cổ phần, vì cho rằng chúng dễ huy động vốn đầu tư khi có cơ hội. Tuy nhiên, với các đặc điểm nêu trên và áp dụng với doanh nghiệp mới thành lập, các thành viên rất cần sự tin tưởng lẫn nhau và đảm bảo không bị xáo trộn cơ cấu vốn, cơ cấu tổ chức thì mô hình công ty cổ phần có nhiều hạn chế so với công ty trách nhiệm hữu hạn.
Mặt khác, trong quá trình hoạt động với mô hình trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp có thể thay đổi loại hình kinh doanh phù hợp khi công ty đã phát triển ổn định.

Cảm ơn Luật sư về những chia sẻ này!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm