Tiếp cận và ứng dụng công nghệ số - “lối ra” cho sản phẩm vùng miền

17:05 | 05/03/2024;
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đang lan tỏa tới mọi miền đất nước, không chỉ giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận thông tin mà còn là “công cụ” để thực hiện công tác Hội một cách hiệu quả, nhanh chóng. Đặc biệt, Hội LHPN xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã áp dụng công nghệ số vào việc phát triển kinh tế, khởi nghiệp của hội viên và mang lại hiệu quả tích cực.

Hội LHPN xã Văn Miếu có 14 chi hội sinh hoạt với 1.046 hội viên. Thời gian qua, Hội đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi tư duy thời kinh tế số cho hội viên. Qua đó giúp các cán bộ Hội LHPN, các nữ lãnh đạo, doanh nhân nữ và hội viên, phụ nữ tiếp cận và nâng cao kỹ năng sử dụng các nền tảng công nghệ, phát triển kinh tế.

Tiếp cận và ứng dụng công nghệ số - “lối ra” cho sản phẩm vùng miền- Ảnh 1.

Việc tiếp cận thương mại điện tử là rất cần thiết cho hội viên mở ra hướng mới trong công tác giảm nghèo bền vững

Bà Hà Thị Hồng Hái, Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Miếu cho biết, sau khi được tập huấn và tiếp cận thông tin về chuyển đổi số, Hội đã triển khai tới toàn thể cán bộ, hội viên về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đặc biệt, việc tuyên truyền vận động hội viên áp dụng các ứng dụng công nghệ để tiếp cận và đưa các sản phẩm nông sản của địa phương lên các kênh mạng xã hội.

"Việc tiếp cận thương mại điện tử là rất cần thiết cho hội viên mở ra hướng mới trong công tác giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, một số hội viên vẫn còn gặp khó khăn: Các mặt hàng nông sản của địa phương sản xuất vẫn còn manh mún nên việc đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong thời gian tới, Hội tiếp tục xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn cũng như tìm các đầu ra cho các sản phẩm nông sản của địa phương", bà Hà Thị Hồng Hái chia sẻ.

Tiếp cận và ứng dụng công nghệ số - “lối ra” cho sản phẩm vùng miền- Ảnh 2.

Áp dụng các ứng dụng công nghệ để đưa các sản phẩm nông sản của địa phương lên các kênh mạng xã hội

Xác định làm kinh tế là để nâng cao đời sống cho hội viên, các cấp Hội tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình. Hội viên có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho sản phẩm.

Cũng qua chuyển đổi số, chị em nhanh chóng nắm bắt thông tin thị trường, tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới, mở ra không gian phát triển kinh tế. Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Miếu cũng cho hay, tại địa phương có nguồn lực nông sản vùng miền phong phú, nhưng bấy lâu nay, việc tìm đầu ra cho sản phẩm luôn là thách thức, trở ngại lớn. Tiếp cận và ứng dụng công nghệ số cũng là "lối ra" cho sản phẩm vùng miền, nâng cao tiềm năng kinh tế cho chị em phụ nữ và hộ gia đình.

Thực tế cho thấy sự chuyển biến rõ nét nhất trong cách làm của các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch kết hợp với các sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ mới thúc đẩy bán hàng trên không gian mạng.

Cùng với đó, công nghệ số còn được Hội sử dụng như một phương tiện đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động, thu hút hội viên, phụ nữ. Nhiều nhóm hội viên chi hội được lập trên nền tảng facebook, zalo được đông đảo chị em tham gia. Việc tiếp cận thông tin ngày càng đa dạng, qua đó có thể lồng ghép tuyên truyền các chương trình hành động của Hội cũng như các thông tin về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vận động cán bộ hội viên sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ trên nền tảng công nghệ số. Qua đó, giúp đời sống kinh tế của chị em ngày càng nâng cao và có những bước khởi nghiệp vững chắc.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn