Trong hành trình cùng những cán bộ Hội Phụ nữ chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chị em phụ nữ, chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt - đại biểu Quốc hội, Tỉnh ủy viên, Bí thư thị uỷ Buôn Hồ, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk, không thể nào quên một câu chuyện gia đình đau lòng cũng như sự quả cảm của người phụ nữ trong câu chuyện này, đã dám đứng lên đấu tranh vì hạnh phúc gia đình, vì lẽ phải của cuộc sống…
Chị Thu Nguyệt chia sẻ, đó là câu chuyện của một người phụ nữ đã đấu tranh tư tưởng và dũng cảm đứng lên tố cáo chồng mình có hành vi xâm hại chính cháu ruột của chị. "Một bên là cháu gái ruột, một bên là chồng – trụ cột kinh tế chính trong gia đình. Vì thế, người phụ nữ ấy đã có sự giằng xé lớn trong tâm tưởng. Và cuối cùng, chị ấy đã quyết định tố cáo chồng để bảo vệ cháu gái, bảo vệ chính nghĩa trong cuộc sống", chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt kể.
Nhằm giúp chị phụ nữ ấy có thể vững vàng hơn trong cuộc sống, Hội Phụ nữ địa phương đã kịp thời hỗ trợ chị vay vốn 20 triệu đồng để chị chủ động làm ăn kinh tế, duy trì cuộc sống gia đình, thay chồng làm trụ cột kinh tế trong thời gian anh chồng cải tạo. Đến giờ, chị đã vượt qua những ngày tháng "đen tối" trong tâm tưởng và đang đang tích cực làm kinh tế, chờ chồng mãn hạn tù trở về.
"Các cán bộ Hội phụ nữ sẽ luôn đồng hành chia sẻ với chị em phụ nữ trên mọi vấn đề cuộc sống để làm sao cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn"- Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk khẳng định
Bí thư thị uỷ Buôn Hồ, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk, cho biết, đặc trưng của khu vực Tây Nguyên là có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với người đồng bào dân tộc thiểu số, chị em thường có tâm lý rụt rè, e ngại. Bởi thế, để chị em dám lên tiếng, tố cáo các hành vi bạo lực là vấn đề khó khăn. Chưa kể lực lượng cán bộ Hội nhiều khi không am hiểu, không nắm hết ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, các cán bộ Hội Phụ nữ đã phải tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản tại địa phương, những người có uy tín trong cộng đồng để cùng vận động các đối tượng này, nhằm nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ, để họ ý thức rõ về quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình. Đặc biệt là những người có hành vi bạo lực gia đình nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm và hành vi của mình là sai trái.
Trong công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã phải biên soạn tài liệu tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số để chị em có thể dễ dàng tiếp cận.
Trước những vụ việc bạo lực gia đình nghiêm trọng xảy ra, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh cũng đã tham mưu, đề xuất kịp thời với chính quyền trong việc tổ chức, tạo điều kiện để các chị em lánh tạm tại các cơ sở an toàn, địa chỉ tin cậy của địa phương, đồng thời, tạo điều kiện cho mọi trẻ em được bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của mình khi bị bạo lực để hạn chế tối đa nhất những hệ lụy xảy ra.
Mặt khác, các cấp hội cũng tạo điều kiện nguồn vốn vay bằng các chương trình hỗ trợ cho vay vốn tín dụng, hỗ trợ các trang thiết bị, hỗ trợ cây giống…, tạo điều kiện để chị em – những người bị bạo lực mà nguyên nhân xuất phát từ kinh tế - có thể tự phát triển kinh tế, chủ động vươn lên trong cuộc sống và giữ được thăng bằng, làm chủ cuộc sống, xây dựng gia đình bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn