Đại dịch Covid-19 góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động trực tuyến. Trong đó, làm việc tại nhà và mua sắm trực tuyến là hai xu hướng nổi bật, được nhiều người lựa chọn để đảm bảo an toàn phòng dịch. Để thực hiện các hoạt động trên, việc cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân của người dùng là điều kiện bắt buộc, giúp người tiêu dùng có thể khai thác và sử dụng các tiện ích trực tuyến.
Lợi dụng những thông tin người tiêu dùng cung cấp, nhiều đối tượng xấu đã sử dụng những cuộc gọi, tin nhắn mạo danh, lừa đảo đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng cả về tài chính và tinh thần.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) hướng dẫn một số dấu hiệu nhận biết và lưu ý để để người tiêu dùng chủ động bảo vệ bản thân khi tiếp nhận và sử dụng thông tin được cung cấp trong thời kỳ Covid-19. Cụ thể:
Đối tượng liên hệ qua điện thoại với người tiêu dùng, mạo danh là cán bộ của các tổ chức, cơ quan như: ngân hàng, tòa án, công an giao thông, nhân viên điện lực, nhân viên công ty viễn thông, siêu thị điện máy… để thông báo cho người tiêu dùng các nội dung liên quan. Đồng thời, đề nghị người tiêu dùng phối hợp thực hiện một số hoạt động. Người tiêu dùng cần đặc biệt lưu ý đối với đề nghị sau:
- Tiếp tục ấn phím lẻ để nói chuyện với cán bộ liên quan khác;
- Truy cập link theo hướng dẫn để cung cấp một số thông tin;
- Đề nghị cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu;
- Đề nghị chuyển một khoản tiền để phục vụ công tác xác minh, điều tra;
- Đề nghị nộp tiền phí để xử lý hồ sơ hành chính;
- Đề nghị nộp tiền để được tham gia chương trình ưu đãi mở thẻ/khoản vay của ngân hàng, đổi sim, nhận quà khuyến mại…
- Các đối tượng có thể làm giả, mạo danh thương hiệu của ngân hàng khi nhắn tin, khiến cho người tiêu dùng hiểu nhầm đây là tin nhắn được gửi từ ngân hàng.
- Các đối tượng có thể cung cấp một cách chính xác các thông tin cá nhân của người tiêu dùng như họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư, hoạt động mua sắm, chi tiêu…khiến cho người tiêu dùng tin tưởng đây là nhân viên của tổ chức, cơ quan chính thống.
- Các đối tượng có thể hoạt động theo nhóm gồm nhiều người nhằm dẫn dắt, gây tâm lý hoang mang, khiến cho người tiêu dùng dễ bị lừa đảo.
Cách phòng tránh các cuộc gọi điện, tin nhắn lừa đảo
Đối với các tin nhắn, cuộc gọi có một trong các dấu hiệu trên, người tiêu dùng cần đặc biệt cẩn trọng và chủ động, tỉnh táo thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng tránh nguy cơ lừa đảo, cụ thể:
- Cần ghi nhớ: Các cơ quan, tổ chức nêu trên không yêu cầu người tiêu dùng cung cấp các thông tin bảo mật như tài khoản, mật khẩu, mã bảo mật…trong bất kỳ trường hợp nào.
- Không cung cấp thông tin bảo mật như tài khoản, mật khẩu, mã bảo mật, số thẻ ngân hàng… dưới bất cứ hình thức nào hoặc cho bất cứ đối tượng nào.
- Cẩn trọng với các thông tin đề nghị nộp tiền, chuyển tiền, phối hợp xác minh các thông tin.
- Không truy cập vào các đường link được gửi, nên chủ động nhập tay các địa chỉ website của các cơ quan, tổ chức để kiểm tra, đối chiếu thông tin. Trường hợp nhận được đường link, tài liệu điện tử của bạn bè, người thân, nếu không có chú thích rõ ràng của người gửi thì nên liên hệ với người gửi để xác minh tính chính xác trước khi mở đường link hoặc tài liệu.
- Không liên hệ theo các số điện thoại do đối tượng cung cấp. Tự mình kiểm tra các thông tin của các cơ quan, tổ chức được nhắc đến trong tin nhắn, cuộc gọi để tự liên hệ kiểm tra, xác minh thông tin trước khi thực hiện bất cứ đề nghị nào của cơ quan, tổ chức.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn