Tín dụng chính sách giúp Nam Đàn tiến đến nông thôn mới kiểu mẫu (Kỳ 2)

08:01 | 17/05/2023;
Những hỗ trợ tích cực của NHCSXH đã góp phần đưa Nam Đàn cán đích nông thôn mới vào năm 2018 và đang hướng tới việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Sản phẩm OCOP trở thành điểm tựa đột phá kinh tế

Con đường phát triển không dễ dàng trong bối cảnh tiêu chí hộ nghèo có nhiều thay đổi. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế những năm gần đây chịu tác động của Covid rồi hậu Covid khiến đời sống người dân ít nhiều bị ảnh hưởng. Câu chuyện tạo việc làm, sinh kế bền vững nâng cao thu nhập cho người trở thành vấn đề bức thiết.

Xây dựng các sản phẩm của địa phương thành sản phẩm OCOP vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống cho người dân vừa đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới là hướng đi đúng đắn của địa phương. Hướng đi này đã được NHCSXH huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An nhận thức rõ xu hướng, từ đó lồng ghép vốn tín dụng thổi luồng gió mới cho sự phát triển mô hình này.

Điển hình như gia đình anh Nguyễn Tất Anh và chị Nguyễn Thị Lý ở xóm Xuân Thành, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn. Gắn bó nhiều năm với nghề làm bột sắn dây và bánh nhãn, song việc sản xuất nhỏ lẻ và không có thương hiệu khiến sản phẩm của gia đình anh chị dù chất lượng cao nhưng việc mở rộng sản xuất khó khăn. Vì vậy, khi nhận thấy giá trị kinh tế của việc sản xuất theo quy trình OCOP giúp hóa giải nút thắt phát triển trước kia, gia đình anh chị quyết định chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm theo kinh nghiệm truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP.

Song kế hoạch bị gián đoạn cho đến khi thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân xã Nam Xuân, anh chị được vay vốn chính sách giải quyết việc làm tại NHCSXH huyện Nam Đàn. Với 50 triệu đồng vay, cùng tích lũy của gia đình, anh chị đã đầu tư máy móc và các phương tiện phục vụ cho việc sản xuất Bánh Nhãn và tinh bột sắn đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Nhờ có sự chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm theo kinh nghiệm sang sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP mà sản phẩm của gia đình sản xuất ra đều được tiêu thụ và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, tin tưởng và làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Hay như với anh Đặng Văn Hóa ở xóm 4 xã Nam Kim, với mong muốn gắn bó với mảnh đất quê nhà, học Học viện Hành chính quốc gia xong anh trở về quê lập nghiệp. Lợi thế Nam Kim là một miền quê đồi núi nhiều đất tương đối màu mỡ phù hợp với các loại giống cây ăn quả nên cách đây 3 năm anh từ bỏ công việc Nhà nước trở về quê mở trang trại trồng cây chanh và các loại cây ăn quả khác, với số vốn khởi nghiệp ban đầu 200 triệu đồng, anh đã đầu tư vào trồng cây chanh và xây dựng trang trại.

Mô hình kinh tế của anh có thêm sức bật khi được NHCSXH huyện cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm với số tiền 280 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, anh mạnh dạn đầu tư vào trồng thêm cây chanh và mua thêm các máy móc phục vụ chế biến các sản phẩm từ chanh theo chứng nhận OCOP. Đến nay, sản phẩm chế biến của anh đã được hệ thống các siêu thị BiG nhập bán. Các sản phẩm làm từ chanh được người tiêu dùng đón nhận, được cung cấp và phân phối trên 20 tỉnh thành trên cả nước. Sau 3 năm hoạt động nay trang trại của anh Hóa đã phát triển mạnh, hằng năm có tổng doanh thu 5,6 tỷ đồng, giải quyết cho 20 lao động có việc làm thường xuyên ổn định với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Có thể khẳng định, dòng vốn tín dụng chính sách theo nhiều phương thức từ đầu tư trực diện cho người vay đến thông qua các chương trình hay cho vay tạo việc làm đã góp phần phát triển thêm nhiều mô hình mới trong sản xuất cho thu nhập cao. Hiện nay, huyện Nam Đàn đang có 74 sản phẩm OCOP.

Tín dụng chính sách giúp Nam Đàn tiến đến nông thôn mới kiểu mẫu (Kỳ 2) - Ảnh 1.

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người nghèo và đối tượng chính sách phát triển kinh tế nâng cao chất lượng sống và thu nhập.

Niềm vui đạt chuẩn nông thôn mới

"Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn", Phó Chủ tịch huyện Vương Hồng Thái cho biết.

Nguồn vốn chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 11,3 triệu đồng/người năm 2002 lên 57 triệu đồng/người năm 2022 (tăng hơn 5 lần so với năm 2002).

Những thành quả này ngày càng thể hiện đậm nét trong bức tranh kinh tế huyện, đặc biệt là những ngày này người dân Nam Đàn rộn ràng niềm vui khi tỉnh Nghệ An công nhận Nam Đàn có thêm xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Nam Anh, Nam Cát, Nam Nghĩa, Nam Giang. Như vậy, đến nay, Nam Đàn đã có 9 xã đạt nông thôn mới nâng cao (chiếm tỷ lệ 50%) và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm tỷ lệ 27,78%). Con đường cán đích nông thôn mới của Nam Đàn thêm thuận lợi khi hiện có 483 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng chính sách đang cho vay người nghèo và đối tượng chính sách phát triển kinh tế nâng cao chất lượng sống và thu nhập.

Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực của NHCSXH trong việc huy động nguồn lực đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn, cần có sự tiếp tục chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể để phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo từng giai đoạn.

Đặc biệt, trong bối cảnh số hộ nghèo ngày càng giảm và nhu cầu việc làm tăng cao, Tỉnh ủy HĐND, UBND tỉnh Nghệ An cần dành ưu tiên hơn nữa trong việc ủy thác vốn cho vay qua NHCSXH đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế lấy du lịch là một trong những lĩnh vực trọng tâm để phát triển, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu để phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và gắn kết với du lịch đưa Nam Đàn trở thành huyện có thu nhập cao, có nền văn hóa mang bản sắc đặc trưng của huyện - quê hương Bác Hồ kính yêu vào năm 2030.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn