Vốn chính sách NHCSXH tiếp sức cho phụ nữ vùng núi thoát nghèo bền vững

01/08/2019 - 16:04
Đến nay, 4 tổ chức chức chính trị - xã hội tại Cao Bằng nhận ủy thác cho vay vốn từ NHCSXH với 62.207 hộ vay; nhờ vậy, nhiều phụ nữ nghèo có thêm cơ hội đầu tư sản xuất, kinh doanh, bám đất giữ làng vùng miền núi, biên cương.

Nhiều năm trước, chị Lục Thị Lệ, xóm Bản Mặc, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) đã biết đến tín dụng chính sách. Song, do chưa có kinh nghiệm nên chị không dám vay vốn để mở rộng chăn nuôi mà chỉ duy trì nuôi 3 con bò có từ trước. Năm 2016, sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được các cấp Hội Phụ nữ tuyên truyền chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi, chị Lệ đã vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện.

Chị Lệ cho biết: “Trong lúc đang tìm hướng thoát nghèo thì tôi được NHCSXH tiếp sức kịp thời. Với số vốn trên, tôi đầu tư mua thêm 3 con bò sinh sản, nâng cấp chuồng trại nuôi thêm trâu, bò vỗ béo. Sau 4 năm mở rộng quy mô chăn nuôi, đến nay gia đình tôi có 25 con trâu, bò. Từ hộ nghèo, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình tôi đã thoát nghèo, trung bình thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi khoảng 150 triệu đồng/năm”.

Còn chị Nông Thị Năm, xóm Lũng Cưởm, xã Lưu Ngọc, huyện Trà Lĩnh, chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo. Để có vốn đầu tư trồng cây chanh leo xuất khẩu, năm 2018, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện để trồng 450 gốc chanh leo, hứa hẹn thu khoảng 40 - 45 triệu đồng/năm. Đây là cơ hội giúp gia đình tôi thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.

Ông Nông Văn Đàm, Bí thư Huyện ủy Trà Lĩnh, cho biết: Chỉ thị số 40 đã thực sự tạo ra sự chuyển biến rõ nét về tín dụng chính sách xã hội tại địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với NHCSXH, bố trí 450 triệu đồng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vay.

Đến nay, 4 tổ chức chức chính trị - xã hội đang tham gia quản lý 2.503 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 62.207 hộ vay với số tiền 2.549 tỷ đồng, chiếm gần 99,7% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Cao Bằng, tăng 910 tỷ đồng so với năm 2014.

 

img_6270_renamed_22862.jpg
Vốn chính sách tiếp sức cho phụ nữ vùng núi thoát nghèo

 

Theo ông Vương Quang Minh, Giám đốc NHCSXH tỉnh Cao Bằng, Chỉ thị số 40 đi vào cuộc sống đã tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp 131.609 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần tạo việc làm cho trên 169.500 lao động, giúp 1.944 HSSV thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; xây dựng 35.274 công trình nước sạch và vệ sinh, 1.812 căn nhà cho hộ nghèo…

Với đặc thù là tỉnh nghèo, điều kiện KT - XH còn khó khăn, thời gian tới, tỉnh mong muốn Chính phủ mở rộng đối tượng thụ hưởng của các chương trình cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay, chương trình cho vay phát triển KT - XH vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg với đối tượng là hộ có mức sống trung bình.

Xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho hộ mới thoát nghèo vay khi hết thời hạn quy định (ngày 31/12/2020), đồng thời cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm.

Nâng mức cho vay từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với chương trình cho vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg, đồng thời kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài như trồng cây ăn quả, trồng cây công nghiệp…

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm