Ép con gái lấy chồng
Bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, để triển khai hiệu quả Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", những năm qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập 71 tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) tại các huyện A Lưới, huyện Nam Đông, huyện Phú Lộc và Thị xã Hương Trà.
"Các tổ TTCĐ đã góp phần vận động người dân tại các cộng đồng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình, những tập tục văn hóa còn lạc hậu tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là một trong những giải pháp để triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 - hướng đến bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", bà Loan cho hay.
Em H.A.N. (xã Hồng Bắc, huyện A Lưới) dù mới học hết cấp 2, nhưng đã rất xinh đẹp và ra dáng thiếu nữ. Chính vì vậy N. được rất nhiều thanh niên trong khu vực để ý, trong đó có H.V.T. con trai của một gia đình khá giả.
Thấy con gái được nhiều người theo đuổi nên bố của N. đã gọi T. đến với mong muốn T. nhanh chóng đem trầu cau, lễ vật tới hỏi cưới N. Mặc cho N. van xin, muốn được đi học tiếp. Mẹ của N. thương con hết lời can ngăn nhưng bố của N. không thay đổi ý định. Với lý do mình là trụ cột của gia đình nên bắt mọi người phải nghe theo.
Thay đổi từ khi tổ TTCĐ vào cuộc
Hết cách, mẹ của N. đã báo với tổ TTCĐ thôn để nhờ chính quyền cùng vào cuộc giải quyết. Sau những lần tổ TTCĐ tích cực giải thích, phổ biến pháp luật, bố của N. cũng đã thông suốt, không còn ép gả con gái khi chưa đủ tuổi kết hôn.
Ông Hoàng Văn Chiến, Tổ trưởng Tổ TTCĐ thôn Lê Lộc 2 (xã Hồng Bắc, huyện A Lưới) cho biết, xã Hồng Bắc là xã vùng núi, kiến thức về pháp luật của bà con còn hạn chế, nhiều vấn đề như tranh chấp đất đai, bắt con cái kết hôn sớm, sinh nhiều con để kiếm cho bằng được con trai, bạo lực gia đình... còn xảy ra.
"Trước những vấn đề đó, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền để bà con hiểu, biết thêm về những kiến thức của pháp luật, bình đẳng giới. Mới tuyên truyền, bà con không phải ai cũng chịu nghe, nhưng "mưa dầm, thấm lâu". Nhờ thế, trên địa bàn thôn ngày càng ít xảy ra các vấn đề vi phạm pháp luật, các vấn đề về bình đẳng giới ngày càng được coi trọng", ông Chiến cho hay.
Chị H.M. (thôn Tu Vay, xã Hồng Thái, huyện A Lưới) thường xuyên bị chồng đánh đập, ghen tuông. Chị ước tính trong 1 tháng thì phải đến 25 ngày chồng chị trong cơn say. Mỗi lần nhậu say, không những đánh đập vợ mà chồng chị M. còn đánh đập cả con gái, nếu như con dám vào can ngăn.
Biết được hoàn cảnh của chị M. tổ TTCĐ thôn đã thường xuyên tới can ngăn, giải thích để chồng chị M. hiểu, tu chí làm ăn.
"Cũng may nhờ có tổ TTCĐ nhiều lần đến nhà giải thích, phổ biến những kiến thức pháp luật, chồng tôi mới biết bạo lực gia đình, đánh đập vợ con là vi phạm pháp luật, có thể đi tù nên từ đó cũng không dám đánh mẹ con tôi nữa. Chồng cũng hiểu được, lâu nay tôi một mình đi làm nuôi con cực khổ nên đã cai rượu, chí thú làm ăn hơn. Từ ngày chồng không uống rượu, không say sưa mẹ con tôi rất vui mừng, gia đình lúc nào cũng vui vẻ, đầm ấm", chị M. bộc bạch.
Chỗ dựa cho phụ nữ, trẻ em vùng DTTS
Đại diện Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, những năm qua, các tổ TTCĐ rất đa dạng các hình thức tuyên truyền, lựa chọn những hình thức phù hợp với từng hoàn cảnh gia đình, đã giúp hiệu quả tuyên truyền ngày càng được nâng cao.
Các thành viên trong tổ TTCĐ thường xuyên đến từng nhà dân để rà soát và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, sau đó, sẽ lồng ghép nội dung tuyên truyền gắn liền với việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn của người dân trong các cuộc họp thôn.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con, các tổ TTCĐ cũng thường xuyên vận động, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất gắn liền với việc nâng cao vị thế của phụ nữ, quan tâm trẻ em, tránh bạo lực gia đình, tảo hôn... Nhất là việc thay đổi nếp nghĩ cũ, các hủ tục, bình đẳng giới... cũng góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.
Mỗi tổ TTCĐ có khoảng 10 - 15 thành viên, gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, trưởng ban công tác mặt trận thôn, công an viên và các đoàn thể ở địa phương. Các tổ TTCĐ thường xuyên được Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế tập huấn, cập nhật các kiến thức pháp luật, bình đẳng giới để tiến hành tuyên truyền, lồng ghép các nội dung đó vào các buổi họp thôn, nói chuyện chuyên đề... Qua đó, giúp người dân hiểu các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, loại bỏ định kiến giới, hủ tục, thói quen lạc hậu, chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế...
Dù mới được thành lập nhưng các tổ TTCĐ đã và đang thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, thực sự là chỗ dựa đáng tin cậy cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Chính những kiến thức mà các tổ TTCĐ mang lại đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của phụ nữ miền núi. Họ đã và đang nỗ lực tạo dựng tương lai cho chính mình, thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ những việc nhỏ trong gia đình, biết đứng lên phản kháng, đòi quyền lợi. Sự đổi thay này là tiền đề quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn