pnvnonline@phunuvietnam.vn
Viết tiếp ước mơ cho trẻ em mồ côi vùng cao A Lưới
Tính đến tháng 11/2023, đã có 23 trẻ mồ côi được Hội LHPN cơ sở ở huyện A Lưới nhận đỡ đầu.
Chương trình "Mẹ đỡ đầu" được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ cuối năm 2021. Chương trình có ý nghĩa thiết thực của cán bộ, hội viên phụ nữ nhằm đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện chương trình đã mở rộng thêm nhiều đối tượng trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn khác.
Hội LHPN huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu" và thực hiện hiệu quả trong suốt 2 năm qua.
Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới, về cách làm để chương trình ngày càng lan tỏa rộng rãi tính nhân văn và tăng cường kết nối trong cộng đồng.
+ Hưởng ứng chương trình, Hội LHPN huyện A Lưới đã triển khai thế nào? Đến thời điểm hiện tại Hội LHPN huyện A Lưới đã nhận đỡ đầu bao nhiêu cháu, thưa bà?
- Ngay sau khi được Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế hướng dẫn thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, Hội LHPN huyện A Lưới đã báo cáo với cấp ủy về mục đích, ý nghĩa của chương trình, đồng thời xin ý kiến thực hiện chủ trương, vận động các cơ quan, tổ chức có lòng hảo tâm nhận đỡ đầu trên địa bàn huyện.
Triển khai đến 18/18 Hội LHPN cơ sở, nắm bắt tình hình các em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương của mình, thống nhất lựa chọn ưu tiên những em có nguy cơ bỏ học do điều kiện khó khăn, báo cáo cấp ủy cùng cấp để nhận đỡ đầu. Đến thời điểm này (tháng 11/2023) tổng số trẻ Hội LHPN cơ sở nhận đỡ đầu là 23 trẻ mồ côi.
+ Bà có thể chia sẻ về cách thức tổ chức để có được thành công như hôm nay?
- Để có được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm lãnh đạo từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế và các cấp ủy. Đặc biệt là cán bộ Hội trong công tác tuyên truyền kết nối, thắp sáng ngọn lửa yêu thương, nhân ái của chị em phụ nữ.
"Mẹ đỡ đầu" là một chương trình nhân văn thể hiện rõ phẩm chất, tấm lòng nhân hậu, bao dung của người phụ nữ. Để chương trình thực sự lan tỏa, chúng tôi rất quan tâm công tác vận động, kết nối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện.
Đẩy mạnh và tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh thông tin của Hội về kết quả các cháu đã được nhận đỡ đầu, hoạt động thăm hỏi, tặng quà của các nhà hảo tâm nhằm lan tỏa giá trị, tính nhân văn sâu sắc của Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đến toàn xã hội.
Tổ chức triển khai, tuyên truyền về chương trình "Mẹ đỡ đầu" bằng nhiều hình thức như: thực hiện lồng ghép qua các hội nghị của tổ chức, các hội nghị giao ban khối, sinh hoạt hội, qua phương tiện thông tin truyền thanh huyện. Facebook, Zalo của Hội, gặp gỡ, trao đổi, đề xuất, kết nối với các nhà hảo tâm, thiện nguyện…
Tổ chức truyền thông, giới thiệu thông tin, nội dung Chương trình "Mẹ đỡ đầu" tới toàn thể cán bộ, hội viên, phụ nữ, các ngành, các cấp, các tổ chức, các cá nhân và toàn xã hội.
Bện cạnh đó, chúng tôi vận động, kêu gọi, hỗ trợ kết nối "Mẹ đỡ đầu" nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Tìm hiểu, xác minh, lựa chọn, điều phối "Mẹ đỡ đầu", đảm bảo cân đối hài hòa giữa các trẻ. Tổ chức gặp gỡ, cam kết giữa "Mẹ đỡ đầu" với trẻ và gia đình trẻ, Hội LHPN cơ sở để thực hiện hoạt động đỡ đầu.
+ Ý nghĩa của Chương trình này ở một huyện miền núi khó khăn như A Lưới. Kế hoạch triển khai trong thời gian tới, Hội LHPN huyện A Lưới sẽ thực hiện những gì?
Là một huyện vùng biên khó khăn, có hơn 400 trẻ em mồ côi cần phải giúp đỡ. Việc nhận đỡ đầu của Hội mới là một phần nhỏ nhoi so với thực tiễn cần giúp. Nhưng tôi cho rằng đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có sức lan tỏa giá trị "lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái", sự nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam nói chung và truyền thống cao đẹp của phụ nữ A Lưới nói riêng.
Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện A Lưới sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội kết nối với các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đồng hành với Hội LHPN huyện A Lưới để viết tiếp ước mơ cho trẻ em mồ côi vùng biên xứ Huế.
Những mất mát của các con là không gì bù đắp được nhưng chúng tôi hy vọng bằng tình yêu thương và trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó trực tiếp là cán bộ hội, hội viên phụ nữ sẽ góp phần giúp đỡ nhiều trẻ mồ côi vơi bớt một phần khó khăn trong cuộc sống, giúp các em có một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.