Huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) lan toả vòng tay ấm của “Mẹ đỡ đầu”

Nhật An
29/07/2023 - 21:59
Huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) lan toả vòng tay ấm của “Mẹ đỡ đầu”

Có "Mẹ đỡ đầu", nỗi đau của trẻ mồ côi được xoa dịu, sự vất vả được sẻ chia.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã và đang góp phần giúp trẻ mồ côi vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được sống trong tình thương yêu của cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, chị Hoàng Thị Minh Vinh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông, cho biết: Thực hiện kế hoạch của Hội LHPN tỉnh về việc triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu" giai đoạn 2022- 2027, trong tháng 1/2023, Hội LHPN huyện đã rà soát, lập danh sách và lựa chọn đối tượng, đồng thời tích cực vận động nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng, chia sẻ mất mát với các em nhỏ mồ côi. 

Qua đó, tăng cường kết nối, huy động các tổ chức, đơn vị, cá nhân đồng hành hỗ trợ mang yêu thương đến với những trẻ mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối tượng được Hội LHPN các cấp hỗ trợ và đỡ đầu là trẻ dưới 16 tuổi, mồ côi cha mẹ do dịch Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa và trẻ mồ côi do những nguyên nhân khác.

Theo thống kê của Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông, đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có 238 trẻ mồ côi; trong đó 169 trẻ mồ côi cha, 45 trẻ mồ côi mẹ và 24 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mỗi em có một hoàn cảnh, một câu chuyện riêng nhưng đều chung nỗi đau mất cha, mất mẹ. Các em rất cần sự quan tâm giúp đỡ, chia sẻ và động viên của toàn xã hội để có thêm động lực đến trường, vượt qua khó khăn và vững tin trong cuộc sống.

PV: Thưa chị, đến nay, đã có bao nhiêu trẻ được Hội LHPN Tu Mơ Rông các cấp nhận đỡ đầu?

Chị Hoàng Thị Minh Vinh: Đến nay, các cấp Hội LHPN huyện và cơ sở đã nhận chăm sóc, đỡ đầu tổng cộng 15 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Trong đó, huyện Hội đỡ đầu 2 trẻ, 11 cơ sở Hội đỡ đầu 11 trẻ (mỗi cơ sở đỡ đầu 1 cháu); phối hợp Hội phụ nữ Công an tỉnh Kon Tum kết nối qua kênh Dự án Ngôi nhà hạnh phúc hỗ trợ cho 02 em mồ côi 2 căn nhà và hỗ trợ nhận nuôi đến khi 18 tuổi 1 em; vận động nguồn lực trao quà, sổ tiết kiệm cho 01 trẻ mồ côi. 

Các cấp Hội thường xuyên quan tâm, động viên; tặng quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, bánh kẹo,.., hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa; hướng dẫn các con học tập, dạy kỹ năng sống, cách tự chăm sóc bản thân. Tất cả số tiền và vật chất để hỗ trợ trẻ được cân đối tiết kiệm từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm của các cơ sở Hội và huy động từ nguồn vận động ủng hộ, hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Tu Mơ Rông lan toả vòng tay ấm của “Mẹ đỡ đầu” - Ảnh 2.

Các cấp Hội thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với các con đỡ đầu

PV: Chị có thể chia sẻ cùng Báo PNVN về một vài trường hợp trẻ em tiêu biểu được Hội nhận mẹ đỡ đầu?

Chị Hoàng Thị Minh Vinh: Tất cả các trẻ đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và rất đáng thương. Trong số các em được Hội nhận đỡ đầu, có em A Kiết, sinh năm 2013, ở thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông). Kiết là con út trong gia đình có 2 anh em. Bố mẹ A Kiết đều là lao động chân tay chỉ dựa vào vài sào đất trồng mì, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống rất khó khăn. Năm 2020, A Kiết vừa tròn 7 tuổi thì mất mẹ vì bị ung thư gan, sau đó 1 năm, bố của A Kiết qua đời cũng do căn bệnh quái ác trên. Kể từ đó đến nay, A Kiết và anh trai  sống chung với bà ngoại năm nay đã hơn 70 tuổi.

Chia sẻ những khó khăn của A Kiết, từ tháng 1/2023, Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông đã nhận đỡ đầu em. Cụ thể, mỗi tháng, Hội hỗ trợ gia đình em 300.000 đồng, trong 2 năm (kể từ ngày 1/1/2023). Trong quá trình nhận đỡ đầu, cán bộ Hội LHPN huyện thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ trong sinh hoạt hàng ngày như: Dọn vệ sinh nhà cửa, nhắc nhở việc học tập, rèn luyện bản thân, nắm bắt tâm tư, tình cảm, tặng quà nhân các ngày lễ, tết, năm học mới, … và là cầu nối với các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ về nhu yếu phẩm, quần áo, đồ dùng học tập.

Tu Mơ Rông lan toả vòng tay ấm của “Mẹ đỡ đầu” - Ảnh 3.

Vòng tay yêu thương cùng những phần quá ý nghĩa của "Mẹ đỡ đầu" đến với trẻ mồ côi

Còn ở xã Đăk Tờ Kan, sau khi Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu", Hội LHPN xã Đăk Tờ Kan đã nhận đỡ đầu em Y Máy, ở thôn Đăk Prông. Y Máy có hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Em sinh năm 2008, là con út trong gia đình có tới 9 anh chị em. Năm Y Máy lên 4 tuổi thì mất mẹ do bệnh hiểm nghèo. Năm 2020, bố em cũng qua đời do bệnh. Hiện em đang sống cùng người chị thứ 3, nhưng cuộc sống cũng không ổn định. Khi biết đến hoàn cảnh của em Y Máy, tháng 2/2023, Hội LHPN xã đã nhận đỡ đầu em, mỗi tháng hỗ trợ 200.000 đồng. Ngoài ra, chị em phụ nữ thường xuyên đến thăm, quan tâm giúp đỡ em và gia đình công việc thường ngày.

PV: Kể từ khi được Hội nhận đỡ đầu, cuộc sống của trẻ mồ côi có sự thay đổi tích cực nào, thưa chị?

Chị Hoàng Thị Minh Vinh: Từ khi được Hội LHPN huyện nhận đỡ đầu, quan tâm, chăm sóc, các em A Kiết, Y Máy, … đã có điểm tựa vươn lên trong cuộc sống. Từ nay, các em có các mẹ chia sẻ, động viên, chỉ bảo cho những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Mất cha mất mẹ - đó là nỗi đau và sự thiệt thòi không gì có thể bù đắp được đối với con trẻ. Nhưng tôi tin, tình cảm chân thành, sự chăm lo, yêu thương của các mẹ sẽ phần nào xoa dịu, làm vơi bớt nỗi đau trong các em.

Tu Mơ Rông lan toả vòng tay ấm của “Mẹ đỡ đầu” - Ảnh 4.

"Mẹ đỡ đầu" chia sẻ khó khăn với gia đình trẻ mồ côi

PV: Chị đánh giá thế nào về sức lan toả của Chương trình "Mẹ đỡ đầu" tại địa phương? Với những kết quả ban đầu, Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục làm gì để lan toả phong trào?

Chị Hoàng Thị Minh Vinh: Tuy mới được thực hiện trong thời gian ngắn nhưng Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã đem đến thông điệp đầy ý nghĩa và nhân văn, thu hút được sự quan tâm không chỉ của hội viên, phụ nữ mà của cả cộng đồng.

Để thực hiện và lan toả mạnh mẽ Chương trình "Mẹ đỡ đầu", Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu cụ thể là Hội LHPN huyện và 100% Hội LHPN xã (11 xã) và Hội Phụ nữ cơ sở Công an huyện Tu Mơ Rông hưởng ứng Chương trình; trực tiếp hoặc gián tiếp nhận đỡ đầu bằng các hình thức phù hợp; hằng năm đăng ký nhận đỡ đầu 1 hay nhiều trẻ mồ côi cho đến khi trẻ đủ 18 tuổi hoặc trong thời gian nhất định (3 năm, 5 năm…). Phấn đấu 100% các cơ sở Hội thực hiện được hoạt động kết nối hoặc làm "Mẹ đỡ đầu" của trẻ.

Từ thực tế phong trào ở cơ sở, tôi có thể khẳng định rằng, Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã và đang góp phần giúp trẻ mồ côi vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được sống trong tình thương yêu của cộng đồng. Phong trào nhân văn này không chỉ thể hiện trách nhiệm, vai trò mà nó còn là nét đẹp truyền thống nhân văn của dân tộc.

PV: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã và đang góp phần giúp trẻ mồ côi vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được sống trong tình thương yêu của cộng đồng

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm