Tại cuộc họp báo chiều 7/10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM, cho biết, sau 1 tuần triển khai thực hiện chỉ thị 18, đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Công tác phòng chống dịch ngày càng đạt được kết quả tích cực.
Theo ông Hải, từ ngày 1-3/10, đã có 5.279 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Đến ngày 6/10, có 9.200 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Trước ngày 1/10, chỉ có 70.000 trên tổng số 288.000 (24,3%) lao động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn làm việc. Số doanh nghiệp hoạt động là 746/1.412 doanh nghiệp (chiếm 52,8%).
Đến ngày 4/10, 135.000 lao động làm việc trở lại, số doanh nghiệp hoạt động cũng tăng lên 844 doanh nghiệp. Và đến ngày 6/10, đã có 164.000 lao động làm việc và 972 doanh nghiệp hoạt động.
Tại khu công nghệ cao, trước ngày 1/10, có 25.000/50.000 công nhân làm việc. Đến ngày 7/10, đã có 27.300 lao động làm việc trở lại. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 88/118 doanh nghiệp.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, các hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu công nghệ cao, khu chế xuất - công nghiệp đã tiếp tục thu hút được nhiều lao động.
Tuy nhiên, số lao động ở khu chế xuất – khu công nghiệp hiện chỉ đạt 56,8%, khu công nghệ cao đạt 54,6%. Đây là bài toán rất lớn đối với thành phố hiện nay, có nhiều người lao động về quê theo nguyện vọng.
Ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh, thành phố luôn trân trọng, ghi nhận đối với người lao động bởi họ chính là người tạo ra của cải vật chất, góp phần cho kinh tế thành phố tăng trưởng.
"Thành phố đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ. Do vậy, chúng tôi trân trọng kính mời người lao động tiếp tục ở lại thành phố bởi hiện nay số lượng lao động ở các đơn vị này đang rất đông và cũng đang mời gọi các cô bác, anh chị quay trở lại để tiếp tục lao động. Nếu ai thực sự có nguyện vọng về quê thì Bộ Tư lệnh Thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cho cô bác, anh chị về quê theo đúng nguyện vọng. Trong đó, ưu tiên cho người già, phụ nữ mang thai và trẻ em", ông Phạm Đức Hải nói.
Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TPHCM cho biết, đến nay đã có hơn 200 người dân ở 45 tỉnh/thành cả nước đăng ký về quê thông qua đường dây nóng: 069.652.401 và 02866.822.000 do Bộ Tư lệnh thành phố triển khai từ ngày 5/10.
28 chợ truyền thống đang hoạt động
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, đến ngày 7/10 đã có 28/234 chợ trên địa bàn thành phố hoạt động trở lại. Trong đó, các địa phương có số chợ mở lại nhiều gồm có quận 5 (5 chợ), huyện Củ Chi (7 chợ), Cần Giờ (8 chợ)… Dự kiến vào ngày mai (8/10), sẽ có thêm 3 chợ tiếp tục hoạt động trở lại.
Theo ông Tú, hiện các chợ đầu mối trên địa bàn vẫn chưa tổ chức hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ở các chợ đầu mối vẫn có khu tập kết, trung chuyển hàng hóa hoạt động ổn định với nguồn hàng tăng dần.
Hiện nay, Sở Công Thương chưa nhận được các ý kiến về các khó khăn trong việc mở lại chợ truyền thống của các quận huyện. Hiện các quận huyện rất thận trọng, rà soát thật kỹ kế hoạch mở lại chợ truyền thống để khi mở lại phải thật sự an toàn.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, đến nay, thành phố đã chi tiền hỗ trợ trong gói hỗ trợ đợt 3 cho hơn 2,3 triệu người ở các quận huyện và TP Thủ Đức. Trong đó, quận Phú Nhuận, quận 5 và quận 1 đã chi được hơn 90%. Với tiến độ chi trả như hiện nay, thành phố sẽ hoàn thành việc chi trả vào ngày 15/9 theo như kế hoạch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn