pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dòng người từ vùng dịch đổ về quê: Cần đặc biệt quan tâm đến phụ nữ mang thai và trẻ em
Rất nhiều người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trở về quê trong những ngày qua. Ảnh minh họa: Đình Hưng
Nơi đi: Cần chủ động và chu đáo
Người lao động tại các tỉnh, thành như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TPHCM đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau trên cả nước. Tính từ Nam Trung bộ trở vào, lượng người dân lao động về các tỉnh miền Tây với số lượng đông nhất. Tới ngày 5/10/2021, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng hơn 7.000 người về Cà Mau; hơn 16.000 người về Đồng Tháp, hơn 30.000 người về An Giang; hơn 50.000 người về Sóc Trăng...
Số lượng người dân về quê ở Bình Phước, Tây Nguyên và ra phía Bắc hiện cũng rất đông. Các con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy, đã có chục ngàn người rời TPHCM và Bình Dương để trở về quê nhà ở các địa phương này.
Thời gian đầu, việc người dân tự phát ra về với số lượng lớn khiến tình hình vô cùng bất cập trong thời gian các tỉnh, thành còn căng mình chống dịch. Đã có gần 200 xe gắn máy được người dân di chuyển từ các tỉnh miền Đông về Bình Phước. Số còn lại không có xe nên đã đi bộ từ Bình Dương về Bình Phước, ước tính hơn 500 người. Đáng chú ý, trong số những người dân di chuyển về quê, có rất nhiều phụ nữ, có cả phụ nữ mang thai và trẻ em. Với các thành phần yếu thế này, các địa phương cần tổ chức cũng như sắp xếp xe đưa người dân về quê theo phương cách "cùng thương, cùng làm, cùng chia sẻ".
Trên tuyến đường ĐT 741 hướng từ Bình Dương qua Bình Phước, đã có hơn 13 lượt xe khách 45 chỗ để chở hơn 500 người đi về hướng tỉnh Đắk Nông. Từ đây, người dân sẽ tiếp tục hành trình để về các tỉnh Tây Nguyên và phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu... Trên đường di chuyển, rất mong các tổ chức xã hội tại các địa phương cùng chung tay để đưa người dân đi về an toàn, cũng như đảm bảo việc chống dịch, phòng tránh lây lan trong quá trình di chuyển.
Nơi đến: Cần ân cần, chia sẻ
Với cung đường từ miền Đông về miền Tây, đa phần người dân tự chạy xe gắn máy. Khi tới chốt mỗi tỉnh, thành, tùy từng địa phương đã có phương cách để tiếp nhận công dân về quê nhà. Tuy nhiên, các địa phương vẫn cần quan tâm nhiều hơn tới trường hợp phụ nữ mang thai và trẻ em, đặc biệt chặng đường về xa, đi lại dưới trời mưa, nắng mệt mỏi.
Tại Sóc Trăng, Cảnh sát giao thông tỉnh này đã tiếp tế thức ăn, đồ uống cho người dân khi họ vào địa bàn. Chính quyền nơi này đã cho kích hoạt lại toàn bộ các khu cách ly tập trung, khu điều trị F0 không triệu chứng để sẵn sàng tiếp nhận cách ly.
Tại An Giang, tổ công tác Tiền phương và Hậu phương cũng đã được khẩn trương thành lập. Nhiệm vụ của các tổ này phối hợp với Ban tổ chức chủ động tiếp nhận công dân của địa phương mình về các khu vực để sàng lọc, xét nghiệm Covid-19. UBND tỉnh này cũng hỗ trợ tiền ăn cho công dân 40.000 đồng/người/ngày trong khu cách ly tập trung trong 7 ngày.
Tại Bến Tre, chính quyền đã chọn 3 điểm tập trung với khoảng hơn 1.000 chỗ cách ly tập trung. Tỉnh này cũng thực hiện cách ly tại nhà các trường hợp như người già bệnh, phụ nữ sắp sinh và trẻ em nhỏ. Hiện tỉnh này đang áp dụng cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày đối với người dân về quê.
Tại Đồng Tháp, các bộ phận đã túc trực 24/24h để đón bà con về quê. Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu... cũng chuẩn bị các trường học làm nơi tiếp nhận cách ly tập trung dành cho người dân từ các tỉnh, thành về quê.
Tuy nhiên, quan sát của chúng tôi cho thấy, việc số lượng quá lớn người dân tự phát về quê sẽ gây ra các tình trạng quá tải tại các khu cách ly tập trung. Việc quá tải này còn mang tới nhiều hệ lụy về việc sinh hoạt hàng ngày cũng như trật tự, an toàn trong suốt thời gian cách ly. Chưa kể tới việc lây nhiễm chéo tại đây nếu như chưa phát hiện được ngay các ca F0. Phương án để người dân cách ly ngay tại nhà trong vòng 14 ngày có lẽ là giải pháp phù hợp trong tình hình cấp bách hiện nay. Đối với các trường hợp yếu thế như trên đã đề cập, các tổ chức chính trị-xã hội cần có các hỗ trợ và động viên kịp thời, để người dân nhanh ổn định được tinh thần và sức khỏe.
Riêng với những người dân di chuyển từ miền Đông Nam bộ về các tỉnh phía Bắc, các địa phương cần chủ động đón người dân bằng các phương tiện phù hợp. Bắc Giang, Nghệ An... là các tỉnh đã chủ động để đưa người dân về. Hiện nay trong quá trình di chuyển, có khá nhiều người dân đi bộ, đi nhờ xe của các tỉnh theo từng chặng. Không chờ người dân lên tiếng cầu cứu, việc triển khai ngay tất cả các kế hoạch để đón dân của từng địa phương phải chủ động hơn nữa. Và, cũng ngay từ bây giờ, các địa phương này cũng cần đưa ra các phương cách để tạo sự ổn định cho người dân qua mùa dịch. Nếu người dân có nhu cầu quay trở lại làm việc tại các tỉnh, thành phía Nam, chính quyền các địa phương nên phối hợp trong việc đưa – đón, không để xảy ra tình trạng tự phát như hiện nay.
Về lâu dài, thiết nghĩ cần có chính sách vĩ mô để hỗ trợ người lao động ngay tại nơi họ làm việc, tránh rơi vào tình trạng như hiện nay.