Tối 14/9, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng) đã bế mạc.
Phát biểu bế mạc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên - cho biết, trong hơn 1 tháng qua, đặc biệt là thời điểm 3 tuần tăng cường thực hiện biện pháp giãn cách triệt để từ ngày 23/8. TPHCM đã tổ chức thực hiện một cách triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp đã được đề ra.
Đến nay, 3 quận huyện gồm Cần Giờ, Củ Chi, quận 7 cơ bản đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh; nhiều quận, huyện đang tiến tới đạt 1/2 tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, trên 60% địa bàn dân cư, tổ dân phố trở thành "vùng xanh"; một số quận, huyện đang tiếp tục phấn đấu quyết liệt để đạt được những tiêu chí đã đề ra.
Tuy nhiên, trên phạm vi toàn thành phố, TPHCM cần thêm một thời gian nữa để đạt được các tiêu chí đó. Với hướng dẫn của Bộ Y tế, lãnh đạo thành phố đã báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục thực hiện giãn cách đến hết tháng 9/2021.
Phương pháp được thành phố thống nhất là vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bởi, những điều thành phố đã và đang làm là chưa có tiền lệ. Nhiều nước trên thế giới cũng đang căn cứ tình hình dịch bệnh từng nơi để có những phương pháp áp dụng phù hợp. Trong bối cảnh đó, thành phố cũng đang tiếp tục nghiên cứu, học tập những phương pháp hợp lý để áp dụng.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, hội nghị thống nhất chọn Cần Giờ, Củ Chi, quận 7, trong đó có một số khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp FDI đủ điều kiện được tiến hành hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, do quận 7 có điều kiện, vị trí địa lý không giống Củ Chi, Cần Giờ nên địa phương này cần chuẩn bị thận trọng hơn, chắc chắn hơn.
Thống nhất 3 lộ trình mở cửa theo 3 giai đoạn
Thành phố cũng thống nhất lộ trình thực hiện 3 giai đoạn mà Ban cán sự Đảng, UBND TPHCM đã trình. Giai đoạn 1 từ 1/10 đến 31/10, giai đoạn 2 từ 1/11 đến 15/1/2022, và giai đoạn 3 sau 15/1/2022. Tất cả các giai đoạn đều tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể của dịch bệnh.
Tại hội nghị, Thành uỷ thống nhất cao với hơn 11 nội dung chiến lược, trong đó có chiến lược về y tế; giãn cách xã hội; phục hồi kinh tế; an sinh xã hội; bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá, lương thực, thực phẩm cho thành phố; bảo đảm các vấn đề xã hội cho nhân dân…..
Trong các chiến lược, theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, chiến lược trung tâm nhất là về y tế. Hiện nay, đây là chiến lược quan trọng trong phòng chống dịch.
Bí thư Thành ủy TPHCM gợi ý, trong chiến lược này, cần đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, thực trạng về y tế, từ hệ thống tổ chức đến đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế hoạt động từ cơ sở đến tuyến trên và trung tâm cấp cứu 115. Đồng thời, cần nêu lên đặc điểm dân cư, điều kiện sống, chăm sóc sức khoẻ, đặc điểm hệ thống y tế cơ sở của từng khu vực để áp dụng phương án hợp lý.
"Trong quá trình phòng chống dịch, chúng ta phát hiện một số điểm yếu cần khắc phục. Trước mắt, tôi đề nghị, cần tạo ra một cơ chế cho tất cả người dân đều có thể tiếp cận hệ thống y tế thuận tiện, công bằng. Hiện tại, một số bệnh nhân mắc các bệnh ngoài Covid-19 đang rất khó khăn trong vấn đề này. Đây là đối tượng cần được chăm sóc đặc biệt trở lại. Các bác sĩ tư, bệnh viện, trạm xá, nhà thuốc chuyên chăm sóc cho những trường hợp này cần được mở cửa hoạt động nhanh nhất có thể", Bí thư Thành uỷ nhận định.
Về việc hạn chế tử vong, hiện nay, tỉ lệ F0 chuyển nặng tại thành phố đã giảm nhờ chiến lược chăm sóc F0 tại nhà. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành uỷ TPHCM, tại các trung tâm hồi sức cấp cứu, các bệnh viện tầng 2, 3, số lượng bệnh nhân nặng còn khá lớn. Do đó, thành phố cần có kế hoạch tăng cường, hỗ trợ, chia sẻ những nơi này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn