Trao tặng những niềm vui cho phụ nữ biên cương

14:57 | 21/11/2022;
Nhiều biện pháp hỗ trợ được thực hiện tạo điểm tựa cho phụ nữ biên cương vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ biên cương

Tôi nhớ mãi nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt hằn rõ dấu vết lam lũ của chị Lang Thị Sách, dân tộc Thái ở thôn Đai, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, khi trò chuyện với những người lính Đồn Biên phòng Ea H'leo (Đắk Lắk) bất chợt ghé thăm nhà. Với chị Sách, từ lâu, những người lính Biên phòng đã trở thành người nhà bởi họ luôn đồng hành, động viên, giúp đỡ mẹ con chị suốt những năm qua. Chị Sách quê gốc ở Thanh Hóa vào định cư tại Đắk Lắk theo diện dân tái định cư lòng hồ thủy điện Cửa Đạt.

Cuộc sống của chị Sách là những ngày lam lũ, khắc khổ và càng cùng cực hơn khi người chồng bỏ đi biệt tích để lại chị bụng mang dạ chửa và cô con gái hơn 1 tuổi. Chị Sách chủ yếu đi làm thuê, làm mướn để nuôi con, bữa ăn lúc đói, lúc no, tương lai mờ mịt. Đúng lúc khó khăn nhất, chị nhận được sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Ea H'leo.

Trao tặng những niềm vui cho phụ nữ biên cương  - Ảnh 1.

Đồn Biên phòng Thị Hoa phối hợp với Hội LHPN thành phố Cao Bằng trao con giống hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế cho 5 hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn xã Thị Hoa. Ảnh: Huy Dương

Chị kể: "Từ năm 2015, các chú bộ đội nhận đỡ đầu con gái tôi cho đến khi cháu học hết lớp 12. Các chú còn tặng xe đạp, tới giúp tôi sửa chữa nhà cửa và nhiều việc khác. Có sự giúp sức của họ, tôi thấy yên tâm trong lòng, không còn thấy bị lẻ loi ở vùng đất quê hương thứ 2 này".

Thực tế, không chỉ chị Sách mà hàng nghìn phụ nữ khác ở khắp nẻo biên cương đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ chân thành của bộ đội biên phòng để vươn lên trong cuộc sống thông qua nhiều chương trình khác nhau, đặc biệt là chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với TƯ Hội LHPN Việt Nam triển khai từ năm 2018.

Tuyên truyền, giúp phụ nữ biên cương thay đổi cách nghĩ cách làm

Với nhiều hoạt động thiết thực, chương trình đã giúp hàng ngàn phụ nữ tự tin, mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm để thay đổi cuộc sống. Sau hơn 2 năm bị hạn chế hoạt động bởi đại dịch Covid-19, ngay khi Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch bệnh Covid-19" trong trạng thái bình thường mới, các đơn vị bộ đội biên phòng đã phối hợp với các Hội LHPN kết nghĩa đẩy mạnh các hoạt động hướng về phụ nữ biên cương.

Trao tặng những niềm vui cho phụ nữ biên cương  - Ảnh 2.

Đồn Biên phòng Quang Long, BĐBP Cao Bằng hỗ trợ lợn giống, thức ăn chăn nuôi cho gia đình bà Hoàng Thị Hiền, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn xóm Bản Đâư, xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang. Ảnh: Huy Dương

Đơn cử, trong tháng 7/2022, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Cao Bằng phối hợp với Hội LHPN tỉnh Cao Bằng tổ chức Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", trao con giống cho hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn xã Đức Long, huyện Thạch An.

Sau khi khảo sát thực tế những khó khăn, nhu cầu, nguyện vọng cần giúp đỡ của hội viên phụ nữ, chương trình đã hỗ trợ gia đình 2 hội viên Đinh Thị Nhất (xóm Thành Công) và Hà Văn Y (xóm Đoàn Kết), xã Đức Long mỗi gia đình 1 con lợn nái, 2 con lợn thịt và thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, bộ đội biên phòng Cao Bằng và các cấp hội phụ nữ còn tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ các dân tộc thiểu số ở các xã biên giới nâng cao hiệu quả các mô hình, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch"; phát huy vai trò chủ động, tích cực trong xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trao tặng những niềm vui cho phụ nữ biên cương  - Ảnh 3.

Cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lang Chánh vận chuyển lợn giống lên biên giới trao tặng cho phụ nữ nghèo xã Yên Khương. Ảnh: Quốc Toản

Trong khi đó, các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Đà Nẵng lại phối hợp với các cấp Hội LHPN Đà Nẵng triển khai các hoạt động "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" năm 2022 tại biên cương tỉnh Quảng Nam. Rất nhiều món quà thiết thực đã được dành tặng cho phụ nữ biên giới huyện Tây Giang như: 1.000m ống nước dành tặng Hội LHPN xã A Xan để thực hiện mô hình "Vườn rau sạch"; 6 cặp lợn, 200 con ngan giống là phương tiện sinh kế giúp các phụ nữ Cơ Tu có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Cũng với tấm lòng hướng về phụ nữ biên cương, đầu tháng 10/2022, Hội Phụ nữ Bộ đội biên phòng Đà Nẵng và các đơn vị kết nghĩa đã tới xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) để thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương". Chương trình đã trao tặng 3 cặp heo giống cho 3 gia đình ở làng Chư Kó, Brang và Goòng (xã Ia Púch).

Nhận tận tay cặp heo giống từ những hội viên phụ nữ xa lạ, chị Siu H'Thủy (làng Chư Kó) không giấu được sự ngỡ ngàng và mừng vui. Với chị, món quà nhỏ không chỉ có ý nghĩa giúp chị có sinh kế, tiết kiệm tiền cho các con đi học mà còn có giá trị tinh thần ấm áp, cho chị cảm nhận mình vẫn luôn được quan tâm, không bị bỏ lại phía sau. Nó cũng là động lực để chị cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống.

Trao tặng những niềm vui cho phụ nữ biên cương  - Ảnh 4.

Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk trao tặng kinh phí và giúp ngày công lao động xây dựng nhà tặng bà Nông Thị Bay - phụ nữ nghèo ở xã Ia Rve, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Lân

Ngược ra Thanh Hóa, ngay trong những ngày giữa tháng 11 này, thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng Phụ nữ biên cương", Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội LHPN huyện Lang Chánh, xã Yên Khương, Đồn Biên phòng Yên Khương (BĐBP Thanh Hóa) đã tổ chức trao con giống và ra mắt Tổ hợp tác chăn nuôi lợn lai kinh tế do phụ nữ làm chủ.

Với ý tưởng tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ biên cương cũng như chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau vươn lên thoát nghèo, 20 chị em phụ nữ xã Yên Khương có cùng sở nguyện, hoàn cảnh đã được nhóm lại thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi lợn lai kinh tế do phụ nữ làm chủ. Các thành viên của tổ đều là phụ nữ thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Tham gia Tổ hợp tác, các hộ được hướng dẫn cách làm chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Trong ngày ra mắt, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 20 thành viên của Tổ hợp tác mỗi thành viên 3 con lợn giống sinh sản, 1 bao thức ăn chăn nuôi, 1 can chế phẩm sinh học để phối trộn với thức ăn, tăng sức đề kháng cho lợn.

Cơ chế giúp đỡ nhau của các thành viên trong nhóm được xây dựng rõ ràng, hợp lý và có sự thống nhất cao. Theo đó, trong 2 năm đầu, mỗi tháng, mỗi thành viên trong Tổ sẽ tiết kiệm 30.000 đồng để đóng góp hỗ trợ mua lợn giống trao tặng các hộ nghèo, cận nghèo tiếp theo nhằm nhân rộng mô hình.

Trao tặng những niềm vui cho phụ nữ biên cương  - Ảnh 5.

Đồn Biên phòng Mường Lèo, Bộ đội Biên phòng Sơn La mở lớp học xóa mù chữ nhằm nâng cao dân trí cho chị em phụ nữ trên địa bàn đơn vị quản lý. Ảnh: Thế Cảnh

Hơn 130.000 phụ nữ và trẻ em ở khu vực biên giới được nhận hỗ trợ

Triển khai từ năm 2018, qua hơn 4 năm thực hiện, Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" với những việc làm thiết thực, cách làm sáng tạo, linh hoạt đã tạo ra hiệu ứng và sự lan tỏa sâu rộng, nhận được sự đánh giá cao và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Với kết quả 110/100 xã thực hiện 8 chỉ tiêu chương trình đạt được và vượt mức đề ra, ước tính hơn 130.000 phụ nữ và trẻ em ở khu vực biên giới được thụ hưởng, Chương trình đã góp phần hỗ trợ một bộ phận phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống.

Các đơn vị đã tổ chức đa dạng các hoạt động giúp phụ nữ theo hướng phát huy nội lực và sát với nhu cầu của phụ nữ và thế mạnh của phụ nữ, trong đó quan tâm tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế mang tính bền vững, lâu dài.

Tiểu biểu như: Xây dựng mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn vay, công sụ sản xuất, vật nuôi, cây con giống cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuât, nâng cao kiến thức và hỗ trợ kết nối, giới thiệu sản phẩm cho người dân địa phương.

Trao tặng những niềm vui cho phụ nữ biên cương  - Ảnh 6.

Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lèo, Bộ đội Biên phòng Sơn La, giúp gia đình hội viên phụ nữ thu hoạch lúa. Ảnh: Thế Cảnh

Với những cách làm, mô hình sáng tạo trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã hỗ trợ gần 6 triệu con giống gia súc, gia cầm; 4,4 tỷ đồng vốn vay; 321 mô hình sinh kế giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế...

Với phương châm "cùng đồng hành và từng bước phát huy nội lực hội viên, phụ nữ và cán bộ Hội cơ sở và của cấp ủy, chính quyền địa phương", chương trình còn hỗ trợ gần 1.000 công trình dân sinh; gần 700 Mái ấm tình thương; trao tặng trên 4.000 suất quà, 4.000 suất học bổng cho học sinh, nữ sinh dân tộc thiểu số nghèo vượt khó. Các đồn Biên phòng nhận nuôi 355 cháu, đỡ đầu 2.529 cháu học sinh là con của các gia đình phụ nữ nghèo; lực lượng quân y các đồn Biên phòng và các tổ, hội phụ nữ cơ sở phối hợp với y tế địa phương tiến hành khảo sát phân loại sức khỏe cho hơn 30.000 cháu có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho trên 1 triệu người; trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi...

Với các hoạt động thiết thực, không chỉ giúp hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" còn tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cảu cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn