Tăng cường tuyên truyền, tạo động lực giúp phụ nữ biên cương vượt khó

Thu Hằng
23/09/2022 - 06:50
Tăng cường tuyên truyền, tạo động lực giúp phụ nữ biên cương vượt khó

Mô hình nuôi lợn do Bộ đội biên phòng Quảng Ninh triển khai đã tạo sinh kế ổn định cho các gia đình phụ nữ nghèo biên giới. Ảnh: H. Phương

Tuyên truyền phổ biến nâng cao dân trí, giáo dục pháp luật, vận động người dân xây dựng nếp sống văn hóa mới; xây dựng mô hình sinh kế… là các hoạt động đồng hành hiệu quả giúp phụ nữ vùng biên cương vượt khó, vươn lên.

Tỉnh Quảng Ninh có 22 dân tộc sinh sống. Ở khu vực biên giới, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Với tấm lòng chia sẻ thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ, hội phụ nữ Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chương trình hành động cụ thể nhằm giúp đồng bào dân tộc nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi cuộc sống.

Đại úy QNCN Đào Phương Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ đội biên phòng Quảng Ninh chia sẻ: Những chuyến đi biên giới, đến với bà con dân tộc thiểu số giúp chị đồng cảm và muốn chia sẻ nhiều hơn với những khó khăn của bà con. Đó cũng là lý do thôi thúc chị tham gia tích cực các hoạt động, phong trào hướng về người nghèo nơi biên giới do đơn vị phát động.

Tuyên truyền, tạo động lực cho phụ nữ xóa đói, giảm nghèo

Hỗ trợ xây dựng nhà, tặng đồ dùng thiết yếu… là một trong những hoạt động Hội Phụ nữ Bộ đội biên phòng Quảng Ninh đã và đang triển khai trong nhiều năm qua nhằm giúp đỡ người dân biên giới giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Điểm nhấn trong các hoạt động đó là chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương".

Ngược thời gian trở về năm 2018, trên cơ sở khảo sát và nắm tình hình thực tế các xã biên giới, Hội LHPN và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất lựa chọn và tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ 2 xã biên giới Vô Ngại và Lục Hồn của huyện Bình Liêu. Mục tiêu là đưa 2 xã thoát khỏi xã thuộc diện đặc biệt khó khăn và hoàn thành các chỉ tiêu về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Vô Ngại và Lục Hồn là 2 xã đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp, chia cắt. Người dân sinh sống ở 2 xã là người dân tộc thiểu số (Tày, Dao, Sán chỉ), nhận thức còn hạn chế. Trên địa bàn 2 xã, có thôn 100% hộ dân tộc Dao Thanh Phán không có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, nhiều hộ ở nhà tường đất không đảm bảo an toàn. Nêu một vài nét khái quát trên để thấy rằng xuất phát điểm của Vô Ngại và Lục Hồn rất thấp, tạo ra những thách thức không nhỏ đối với việc triển khai giúp đỡ 2 xã trên thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Vào cuộc với tâm thế chủ động, tích cực, Bộ đội biên phòng Quảng Ninh đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau, hỗ trợ các hộ gia đình xây mới 17 nhà an toàn và sửa chữa 3 nhà (vượt 7 nhà so với kế hoạch). Các ngôi nhà mới đảm bảo yếu tố "3 cứng" và có công trình nhà tiêu hợp vệ sinh. Các gia đình được hỗ trợ xây nhà an toàn, còn nhận được sự quan tâm chia sẻ hỗ trợ của các cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng ngày công làm nhà, vận chuyển nguyên vật liệu, đồ dùng vật dụng sinh hoạt khi khánh thành nhà mới.

Tăng cường tuyên truyền, tạo động lực giúp phụ nữ biên cương vượt khó - Ảnh 1.

Với sự hỗ trợ của chương trình, bà con dân tộc thiểu số ở vùng biên Quảng Ninh đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có được những mùa vàng bội thu. Ảnh: H. Phương

Cùng với việc xây dựng nhà mới cho người dân, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Quảng Ninh đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Chương trình đã vận động được 91 hộ dân thực hiện với nguồn kinh phí hỗ trợ hơn 250 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ còn tập trung thực hiện là xây dựng các mô hình sinh kế cho phụ nữ. Với sự cân nhắc kỹ lưỡng, chương trình đã lựa chọn 2 mô hình nuôi lợn và gà thương phẩm triển khai cho chị em phụ nữ trong 2 xã thực hiện. Đây là 2 mô hình không cần nhiều kinh phí thực hiện, tính khả thi cao. Đến nay, 52 hộ dân tham gia mô hình đã được hỗ trợ vốn và con giống với nguồn kinh phí gần 450 triệu đồng. Các con giống trao tặng cho hộ dân đều được Hội nông dân lựa chọn, thẩm định kỹ và tiêm vaccine phòng bệnh. Trong quá trình chăm nuôi con giống, các hộ dân đều được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, theo dõi mức độ sinh trưởng. Kết quả, con giống của 45 hộ phát triển tốt, thuận lợi về đầu ra sản phẩm, chỉ có 1 hộ nuôi lợn bị rủi ro, không bảo toàn được vốn do ảnh hưởng dịch bệnh. Ngoài ra, 6 hộ đã nhận nguồn hỗ trợ nhưng chưa triển khai nuôi.

Cùng với việc xây dựng mô hình sinh kế cho người dân, chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, vận động người dân xây dựng nếp sống văn hóa mới. Bên cạnh đó, chương trình đã hỗ trợ 12 chiếc xe đạp, 23 góc học và nhiều đồ dùng sách vở học tập, quần áo và các đồ dùng sinh hoạt khác với tổng số tiền gần 80 triệu đồng cho các em học sinh trong 2 xã.

Tăng cường tuyên truyền, tạo động lực giúp phụ nữ biên cương vượt khó - Ảnh 2.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ninh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Ninh xây dựng nhà cho phụ nữ nghèo vùng biên. Ảnh: H. Phương

Với những hoạt động thiết thực, chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" tại Quảng Ninh đã thu được những kết quả hết sức tích cực. Đến nay nhận thức của phụ nữ nói riêng và nhân dân 2 xã nói chung đã thay đổi đáng kể. Nhiều hộ dân đã chủ động thực hiện phát triển kinh tế gia đình thoát nghèo, tư tưởng trông chờ, ỷ lại dần được xóa bỏ. Tỷ lệ hộ có nhà an toàn tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. 

Việc thay đổi nếp sống sinh hoạt trong các gia đình có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc xóa bỏ nếp sống sinh hoạt lạc hậu, mất vệ sinh được thay thế bằng nếp sống văn minh hơn, sạch sẽ và khoa học hơn. Hàng năm đảm bảo chỉ tiêu mỗi xã có 2 hộ được giúp đỡ thực hiện đạt 8 chỉ tiêu của cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", góp phần tích cực trong hoàn thành các chỉ tiêu về đích thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của xã đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm